Năm học 2014-2015 là năm học thắng lợi của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Cảng với 11/17 tiêu chí được Bộ GD-ĐT đánh giá dẫn đầu cả nước, tặng Cờ thi đua xuất sắc. Nổi bật là thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia với 85 giải, xếp thứ hai cả nước, sau Thủ đô Hà Nội và thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi quốc tế với 1 em giành huy chương Vàng Ô-lym-pic Vật lý quốc tế.
Góp phần làm nên thành tích của ngành GD-ĐT thành phố là sự cố gắng của nhiều cán bộ, giáo viên ngày đêm miệt mài với sự nghiệp “trồng người”. Báo Hải Phòng Xuân Bính Thân trân trọng giới thiệu một số nhà giáo tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp GD-ĐT thành phố Cảng năm học qua.
Nhà giáo ưu tú Trần Thọ Quyết (Trường THPT chuyên Trần Phú):
Tấm Huy chương vàng Vật lý quốc tế- giấc mơ chờ đợi từ lâu
Cùng học trò lên đường sang Ấn Độ dự thi Ô-lym-pic Vật lý quốc tế năm 2015, chứng kiến giây phút học trò đăng quang tại “sân chơi” trí tuệ quốc tế, trái tim nhà giáo Trần Thọ Quyết rung lên những cung bậc cảm xúc. Khó có thể dùng lời để diễn tả niềm vui, niềm tự hào của người thầy giáo già lúc đó. Một đời gắn bó, tâm huyết với nghề, với học trò, đâu phải ai cũng có được giây phút xúc động, đáng nhớ như thế...
Thầy Quyết trở thành thành viên “ngôi nhà” THPT chuyên Trần Phú với kinh nghiệm 10 năm giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2. Gần 28 năm gắn bó với công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Quyết góp nhiều công sức làm nên thành tích chung của nhà trường. Đến nay, sau 8 khóa làm nhiệm vụ “người lái đò”, “tài sản” của thầy Quyết khá ấn tượng với 45 giải học sinh giỏi quốc gia, 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc Ô-lym-pic Vật lý quốc tế và 2 bằng khen Khu vực môn Vật lý của các học trò. Cứ mỗi năm học qua đi là một mùa hoa trạng nguyên rực rỡ của thầy Quyết và học sinh. Mỗi lần biết tin học trò giành giải tại các kỳ thi học sinh giỏi, trái tim của người thầy lại tràn ngập niềm vui.
Chia sẻ về niềm vui khi học trò giành huy chương vàng Ô-lym-pic quốc tế tại Ấn Độ, thầy Quyết khẳng định: Tấm huy chương vàng của em Nguyễn Công Thành rất quý giá. Đây là lần đầu thành phố có huy chương vàng quốc tế môn Vật lý, là giấc mơ mà thầy, trò nhà trường chờ đợi đã lâu...”. Với tấm huy chương vàng quốc tế này, học trò của thầy Quyết là người viết tiếp thành tích 21 năm liên tục giành huy chương Ô-lym-pic quốc tế của học sinh thành phố Cảng.
Nhà giáo ưu tú Phạm Quốc Hiệu- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bảo:
“Trò giỏi hơn thầy là điều đáng mừng”
Trường THPT Vĩnh Bảo nổi tiếng thành phố và cả nước bởi có nhiều học sinh đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học và nhiều học sinh nghèo thi đỗ đại học đạt điểm cao. Góp phần làm nên bề dày thành tích của ngôi trường này có công sức, tâm huyết của nhà giáo ưu tú Phạm Quốc Hiệu.
Trong hơn 10 năm là Tổ trưởng Tổ Toán-Tin Trường THPT Vĩnh Bảo, rồi được tín nhiệm giao trọng trách hiệu phó và hiệu trưởng nhà trường, thầy Hiệu là một trong những giáo viên chủ lực của trường trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi và bồi dưỡng giáo viên kế cận. 16 năm liên tục, từ năm học 1998-1999 đến năm học 2014-2015, thầy Hiệu có 75 học sinh đoạt giải học sinh giỏi Toán cấp thành phố, trong đó có 12 giải nhất. Những lớp do thầy Hiệu dạy Toán, tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học đạt 99-100%, trong đó có nhiều em đạt từ 27 điểm trở lên. Tự hào hơn, 8 năm liền, 23 học sinh của thầy đỗ thủ khoa và 13 học sinh đỗ á khoa các trường đại học. Kỳ thi học sinh giỏi thành phố năm học 2015-2016, học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo giành 46 giải, trong đó có 6 giải nhất, 3 em tham gia đội tuyển quốc gia giải toán trên máy tính cầm tay các môn Toán, Vật lý và Sinh học.
Quá trình dạy học, thầy vừa truyền thụ lại vốn kiến thức, kỹ năng cho học trò, vừa biết khơi gợi tinh thần tự học ở các em. Thầy luôn coi học trò như những người em, người bạn, có thể cùng trao đổi, chia sẻ, thảo luận. Thầy từng nói với trò: “Không phải cái gì thầy giáo cũng biết. Không phải lúc nào thầy giáo cũng đúng. Trò giỏi hơn thầy là điều đáng mừng”. Nhờ đó, học sinh luôn hào hứng, tự tin và sáng tạo trong học tập. Các em mạnh dạn trao đổi nội dung bài học, bài tập với không khí dân chủ, cởi mở.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long:
“Mỗi nhà giáo hãy là tấm gương sáng cho học sinh”
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, không chỉ là nhà quản lý giỏi, mà còn là nhà giáo tâm huyết, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp về quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống học sinh.
Những năm qua, thạc sĩ Nguyễn Thị Mai có 6 đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học thành phố đánh giá, xếp loại A. Trong số này, 3 đề tài được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo vào các năm 2009, 2011 và 2015. Đó là các đề tài: “Các giải pháp triển khai công tác giáo dục văn hóa học đường ở trường THPT thành phố Hải Phòng”; “TL – E-School (sổ liên lạc điện tử), giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý và giáo dục học sinh”; “Các giải pháp tổ chức và triển khai thực hiện công tác tư vấn và giáo dục đạo đức học sinh THPT thành phố Hải Phòng”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai cho biết, sở dĩ chị dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, đề ra giải pháp quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống học sinh là bởi việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh phải được đặt lên hàng đầu. Chị Mai đề xuất 5 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Trong các giải pháp này, giáo dục học sinh bằng chính tấm gương cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và cán bộ địa phương nơi trường “đóng quân” rất quan trọng. Bởi tấm gương của người lớn, đơn giản là những việc làm tốt và lối ứng xử tốt diễn ra hằng ngày, có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Hình ảnh đẹp của người thầy trong mắt học sinh, đó là sự hiểu biết sâu rộng, năng lực chuyên môn tốt, giàu lòng nhân ái, có trách nhiệm, không vi phạm đạo đức, không làm tổn hại đến học sinh và cha mẹ học sinh.
Nhà giáo ưu tú Hoàng Hùng (Trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền):
Một đời gắn bó với đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Tháng 7-2015, nhà giáo ưu tú Hoàng Hùng nghỉ chế độ theo quy định của nhà nước. Ban giám hiệu Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền) mời thầy tiếp tục tham gia việc dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi của trường. 41 năm trong nghề dạy học là ngần ấy thời gian thầy giáo Hoàng Hùng gắn bó với công việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Thầy Hùng kể những năm tháng điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, tài liệu dạy học còn khó khăn, thầy phải tự dịch tài liệu Toán học từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Sau này, tài liệu về môn Toán nhiều hơn, phương tiện, điều kiện học tập của học sinh hiện đại, thuận lợi, học sinh cũng thông minh và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, thầy Hùng cho rằng, công tác bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi dù thay đổi về phương pháp dạy và học, vẫn tuân thủ quy trình từ khâu phát hiện sớm đến thực hiện kế hoạch và phương pháp bồi dưỡng, đào tạo.
Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo học sinh giỏi, thầy Hùng cho biết, cần khuyến khích, đề cao tính độc lập và sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu. Muốn xây dựng các đội tuyển học sinh giỏi, cần chăm lo, phát hiện và bồi dưỡng nguồn học sinh giỏi từ bậc tiểu học. Chất lượng học sinh giỏi phụ thuộc nhiều vào công tác chấm và chữa bài chi tiết. Bởi qua đó giáo viên sẽ chỉ ra những điểm yếu, hạn chế trong kiến thức học sinh.
Một đời gắn bó với công tác bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi, thầy Hùng có nhiều học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi thành phố và quốc gia. Riêng giai đoạn 2010-2015, 10 học sinh của thầy giành giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 4 giải nhất.
Bích Hạnh