Sau nhiều lần đốt sách vở, quần áo bắt mình nghỉ học từ những năm cấp 2 không thành, tới cuối năm lớp 9, bố nhất quyết bắt mình nghỉ học ở nhà lo làm kinh tế.
Bất đồng với bố vì bị cấm đi học
Gửi bạn trong bài viết: “Bất đồng với bố vì bị cấm đi học”. Mình sinh ra trong gia đình có thể nói là bất hạnh với một người bố rượu chè say xỉn, tuổi thơ dữ dội gắn liền với đánh đập, chửi bới. Cho tới giờ mình vẫn bị ám ảnh khi trở về căn nhà ấy, khi nghe thấy bước chân của bố. Cũng như bạn, bố nhất quyết không cho mình đi học vì sợ gánh nặng kinh tế, bởi gia đình mình những năm đó rất lao đao, chỉ có mẹ làm trụ cột kiếm tiền thì lại không đủ sức khỏe do hậu quả những trận đòn roi của bố để lại.
Mặc dù không được học hành đầy đủ như chúng bạn nhưng chị em mình lại học rất tốt từ khi còn nhỏ. Sau nhiều lần đốt sách vở, quần áo bắt mình nghỉ học từ những năm cấp 2 không thành, tới cuối năm lớp 9, bố nhất quyết bắt mình nghỉ học ở nhà lo làm kinh tế. Cô chủ nhiệm, thầy hiệu trưởng, mẹ và gia đình nhà ngoại hết lời khuyên ngăn cũng không thay đổi được ý định của bố. Mình chấp nhận nghỉ học ở nhà làm nghề.
Sau hơn 2 tháng các bạn ôn thi, cô giáo chủ nhiệm có nhờ người bạn thân báo với mình là cô đã đăng ký hồ sơ thi cấp 3 để mình thử sức xem thế nào. Ngày đi thi mình lén lút chạy ra đầu xóm đi nhờ xe của một nhà có con đi thi cùng, không ai trong gia đình biết, lúc đó mình cũng chỉ xác đinh thi thử sức, nhưng kết quả không ngờ tới. Một tháng sau mình nhận được phiếu báo thừa nhiều điểm vào trường đăng ký thi.
Cô giáo chủ nhiệm vừa mừng vừa thương, tiếp tục hành trình thuyết phục bố cho mình đi học, cùng với sự thuyết phục của nhiều người, cuối cùng ông cũng đồng ý cho mình đi học cấp 3 với điều kiện chỉ được đi học buổi sáng, buổi chiều phải ở nhà làm kiếm đủ tiền ăn học. 3 năm học cấp 3 lặp lại những chuỗi ngày gian nan đó, bất cứ khi nào bố say xỉn lại đốt hết sách vở, quần áo.
Biết bao lần bạn bè thầy cô hỏi sao sách cứ bị cháy nham nhở, mình chỉ cười trừ nói do vừa học vừa nấu ăn nên bị quên, nước mắt cay xè khóe mắt. Thầy cô cấp 3 khác huyện không ai biết về hoàn cảnh của mình, nên lúc nào mình cũng bị nêu tên vì nộp học phí chậm, không hoàn thành các khoản đóng góp trong năm, những lúc phải đứng lên trước lớp thật tủi nhục vô cùng. Lúc này mình nhận thức được chỉ có học hành mới là con đường thoát ly duy nhất.
Mình phấn đấu hết sức, bao giấy khen bằng khen mang về, mẹ mừng nhưng không dám thể hiện, bố thấy thì khó chịu vùng vằng chửi bới, lăng mạ hết 3 mẹ con rồi lại tìm cách gây gổ, đánh đập chửi bới mẹ con mình. Những đêm đông bị đuổi khỏi nhà bơ vơ, trốn ở bếp nhà này nhà kia, những bữa ăn chỉ cơm với mắm cũng bị hất tung ra sân không cho ăn, những vết thương hằn trên người mẹ, những câu lăng mạ của bố dành cho mình như ám ảnh tới hết đời. Lúc đó mình hận bố vô cùng, càng hận mình càng quyết tâm học tốt.
Nhưng kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, đỉnh điểm là tới khi mình học hết lớp 11, em trai chuẩn bị thi lên lớp 10. Mẹ ngày càng hao mòn xanh xao vì vất vả và khổ tâm, vì những đày đọa cả vể thể xác và tinh thần trong ngôi nhà đó. Bố lún sâu vào rượu chè không lối thoát, mình nhìn thấy tương lai mù mịt phía trước khi mới học cấp 3 cả nhà đã khổ sở lao đao thế này, thì sau này vào đại học mẹ sẽ phải thế nào nữa?
Cùng với những đòn roi, sỉ nhục lăng mạ của bố, mình quyết định từ bỏ. Mẹ ôm mình khóc, nói con làm như vậy thì bao năm 3 mẹ con phấn đấu chả còn gì. Em trai cũng khóc vì nó biết lần này mình mà nghỉ sẽ không bao giờ có ngày được đi học lại như những lần trước. Cuối cùng ba mẹ con quyết định để em nghỉ học vài năm trước, ngay sau đó em trai sang tận Campuchia làm gửi tiền về nuôi mình ăn học.
Vì những gì mẹ và em dành cho, mình quyết tâm thi đỗ đại học, vào một ngôi trường thật xa quê để bố không còn cơ hội gây khó dễ cho việc học hành. Khi 2 mẹ con đang vất vả làm ruộng ngoài đồng, mình nghe tin bạn bè báo đỗ cả 2 trường dự thi. Chưa kịp mừng thì lo lắng ùa tới khiến đôi chân mẹ run rẩy, mình cũng thấy một màu xám khi nhìn về tương lai đó. Mặc dù nhiều người khuyên mình nên theo học Sư phạm để bớt gánh nặng học phí, nhưng mình quyết tâm theo học ngành Dầu khí, với ước mơ làm giàu cho quê hương, nhanh đỡ đần được cho mẹ cho em.
Trớ trêu thay, lần này không chỉ bố bắt mình nghỉ học mà ngay cả bác ruột cùng gia đình bên nội cũng gây sức ép tới mẹ. Mẹ vẫn nhất quyết nói nuôi mình ăn học, bác cả đã buông một câu với mẹ mà cả đời mình không quên: “Mày quyết tâm cho nó đi học tao sẽ lấy vợ khác cho em tao”. Sau một tuần tới giảng đường đại học, mình tìm ngay lớp để dạy gia sư, quyết tâm không xin tiền gia đình. Ngày nào cũng vội vàng đạp xe tới nhà học sinh dạy ngay khi kết thúc buổi học trên giảng đường, và chỉ có thể có mặt ở phòng trọ khi đồng hồ đã 22h khuya.
Sau khi mình học ổn định được 6 tháng đã khuyên em trai về học lại, với sự quyết tâm cao, em đã thi đỗ cấp 3 cho dù bỏ 2 năm. Hai chị em lúc nào cũng động viên nhau học tốt hơn nữa, xác định chỉ có học tốt mới thoát khỏi đói khổ, bất hạnh, rồi em trai cũng đỗ vào một trường đại học danh tiếng sau đó. Thời gian này, tuy không thường xuyên gây khó dễ vì mình học xa và tự lo được tiền ăn học, nhưng bất cứ khi nào về nghỉ tết, bố đều tìm cánh chửi bới, gây sự. Bố nghe theo lời bên nội nói học ngành Dầu khí không có quan hệ sẽ lại tốn mấy trăm triệu xin việc.
Tết đến với gia đình mình vẫn buồn với nước mắt như bao năm, nhiều khi mình không muốn về vì biết về bố lại gây sự, nhưng không muốn mẹ ăn tết lủi thủi với người chồng như vậy. Ý thức được những khó khăn sẽ gặp phải khi ra trường nếu mình không học tốt, nên dù ngày nào cũng phải dạy 4-5 ca, mình vẫn chú tâm học hành. Mình quyết tâm phải có được bằng giỏi để đủ tiêu chuẩn ở lại trường làm giảng viên, như thế sẽ không lo xin việc nữa. Bên cạnh đó mình cũng rất chú trọng ngoại ngữ, vì biết thời buổi này tiếng Anh đã trở thành thứ tiếng phổ thông, không thông thạo bản thân sẽ tụt hậu.
Khi bạn bè học hành rất nhàn nhã, mình luôn làm một lúc nhiều việc, những ngày trên giảng đường hiếm khi mình ngủ trước 2h đêm. Cuối cùng cũng tới năm cuối đại học, trong khi bạn bè thong thả vì không phải học nữa mà chỉ có làm đồ án tốt nghiệp, mình vừa làm đồ án vừa tham gia phỏng vấn nhiều công ty cả Việt Nam và quốc tế, với sự ủng hộ và tạo điều kiện về thời gian của thầy giáo hướng dẫn.
Ngày nhận bằng tốt nghiệp với điểm bảo vệ tối đa, thầy cô và mẹ mừng và hãnh diện về mình, bạn bè ngưỡng mộ hết mực vì chưa ai định hướng sẽ làm gì, xin việc thế nào thì mình đã được tập đoàn dầu khí đa quốc gia ký hợp đồng làm việc. Mình từ chối lời đề nghị ở lại trường giảng dạy vì muốn được thử sức trong môi trường năng động, thử thách, để khai thác hết khả năng của bản thân và cũng là để phụ giúp mẹ nuôi em trai.
Từ khi mình ra trường có công việc ổn định, lo chuyện ăn học được cho em trai và phụ giúp mẹ, nhà mình bước sang trang mới, không khí gia đình khác hẳn. Bố từ bỏ rượu bia, không còn chửi bới khi mình về tết, ngược lại rất chiều chuộng quan tâm. Nhà mình đã có những cái tết vui vẻ sau bao cái tết buồn. Tuy trong tâm trí mình luôn ám ảnh về quá khứ, nhưng mình không còn hận hay trách bố nhiều nữa, cũng chỉ vỉ cái nghèo khiến con người ta túng bấn, bi quan, tệ nạn.
Đôi khi mình vẫn nghĩ rất may mắn sinh ra trong môi trường như vậy, nhờ thế mà bản thân mới được như hôm nay. Mình luôn tự nhắc nhở bản thân, dù có thế nào bố vẫn là bố, hai chị em mình phải có trách nhiệm với ông. Mình cũng muốn mẹ được bù đắp và hạnh phúc nên năm nay phấn đấu mua được ngôi nhà nhỏ ở nơi hai chị em đang sống, có thể chuyển mẹ vào để yêu thương và bù đắp, tuy khó khăn nhưng mình tin sẽ làm được.
Với một con người nghị lực như bạn, mình tin những khó khăn rồi cũng mau qua, việc của bạn cần làm bây giờ là tập trung học tốt để không là gánh nặng của bố mẹ khi ra trường. Khi bố bạn nhìn thấy con đường bạn chọn tốt hơn cho cuộc đời bạn, tự ông sẽ thay đổi quan điểm. Hy vọng với câu chuyện mình chia sẻ, bạn có thể tìm thấy được niềm lạc quan và nghị lực để vượt qua thử thách khó khăn trước mắt