Giới thiệu chung

Xin chào mừng các bậc cha mẹ học sinh và các con đã đến với Trường THPT Thăng Long, ngôi trường đã khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện và kỷ cương nền nếp hàng đầu khối trường THPT của thành phố Hải Phòng. Chúng tôi xin trân trọng gửi đến quý CMHS và các con lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin về sự nghiệp trồng người của trường THPT Thăng Long trên con đường phát triển và hội nhập...

Xem tiếp

Ngày nhận giấy báo điểm mẹ tôi lại khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khôn tả. Tôi thi đỗ với số điểm đứng thứ ba của trường, ước mơ cả cuộc đời lam lũ của mẹ là tôi được vào đại học giờ đã thành hiện thực. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt gầy gò, trong đôi mắt hốc hác của bố mẹ tôi, còn gì hạnh phúc hơn. 

Từ nhỏ, tôi đã sớm khắc sâu trong mình thế nào là sự nghèo khổ. Tuổi thơ tôi không có những kỷ niệm êm đềm, không có những buổi chiều nô đùa, đi chơi với bạn bè, chỉ có nước mắt của tôi và mẹ.

Nhà tôi nghèo lắm, nghèo nhất phố. Ngôi nhà cấp 4 sơ sài, còn lại duy nhất của phố. Ngôi nhà mà bố mẹ đã mất bao ngày mới xây xong, vất vả, khó nhọc. Nhưng nó cũng có nhiều kỷ niệm in sâu trong tôi, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn rơi nước mắt. Những ngày trời mưa, nhà tôi lại dột như ở ngoài trời. Mỗi đêm, bố mẹ tôi phải thay phiên nhau thức để lấy thau hứng nước trên nóc nhà cho tôi được ngủ ngon. Có đêm thức dậy tôi đã trào nước mắt vì thương bố mẹ, tôi tự nhủ sẽ phải học để không phụ công lao bố mẹ tôi. Những đồng tiền làm thuê, chạy xe của bố mẹ không đủ đong gạo cho cả nhà. Tôi nhớ mỗi bữa mẹ lại nấu riêng cho tôi một nồi cơm nhỏ, còn bố mẹ thì ăn cháo, những bữa cháo của gia đình cứ phải ăn vụng trộm, như sợ có người biết.

Một lần bác hàng xóm sang chơi, thấy cả nhà ăn cháo, hỏi sao không nấu cơm mà lại ăn cháo thế kia, mẹ tôi vội nói chữa là cả nhà muốn thay đổi khẩu vị nên ăn cháo một bữa cho ngon miệng. Nhưng nào có phải vậy, nhà hết gạo rồi nên phải ăn cháo, lúc đó tôi càng thương bố mẹ hơn.

Không những thế, bố mẹ tôi còn khổ nhục vì những điều tiếng trong ngõ phố, người ta khinh rẻ, coi thường bố mẹ tôi. Mỗi lần đi ra ngoài, bố mẹ tôi đều cúi mặt như mình có tội lỗi gì đó với mọi ngưòi. Nhiều lần tôi thấy vậy mà ứa nước mắt, bố mẹ chỉ nghèo chứ có tội tình gì đâu. Vì thế dù lúc đó mới là một cậu bé nhưng tôi đã sớm có ý thức thế nào là sự khổ nhục vì nghèo khó. Dù nghèo khổ nhưng bố mẹ vẫn hết lòng động viên tôi cố gắng học cho giỏi. Bố mẹ tôi vẫn bảo “chỉ có học con mới nên người được, con mới không khổ cực như bố mẹ bây giờ nữa. Bố mẹ vất vả thế nào cũng được, chỉ mong cuộc đời con sau này sẽ đổi khác”. Câu nói ấy đã khắc sâu vào tâm khảm tôi từ thủa nhỏ và theo tôi đến tận bây giờ.

Có lẽ cả tôi và bố mẹ đều chưa hiểu hết Đại học là gì, chưa biết hết việc học đại học ra sao? Nhưng tôi và bố mẹ tôi hiểu rằng phải học giỏi, đỗ ĐH, tôi và gia đình tôi mới có cơ hội thoát khỏi kiếp nghèo này. Vậy là ban ngày, sau gìơ đi học, tôi lại ra phụ giúp mẹ bán hàng nước, có hôm đi bán bánh mỳ…Có đựoc chút tiền, tôi dành dụm mua sách và lại miệt mài học đến khuya. Bất kể khi nấu cơm hay rảnh rỗi, tôi lại tranh thủ đọc sách, học bài.Có lần mải đọc sách, tôi quên không đổ nước, làm cháy hết nồi cơm, bữa đó cả nhà đành nhịn đói qua bữa.

Hàng ngày tôi đến trường luôn mặc đồng phục. Có lần đi chơi với lớp, các bạn cũng chỉ thấy tôi mặc theo quy định của nhà trường.Có bạn còn rêu trọc tôi là con nhà nghèo rớt mồng tơi, con nhà xe ôm, hàng nước. Phải cố gắng giữ bình tĩnh nhưng tôi rất buồn, tủi thân. Về nhà, tôi ôm lấy mẹ khóc nức nở, mẹ tôi cũng khóc. Rồi hôm sau tôi lại đến lớp, không thèm khóc nữa, tôi quyết tâm phải học giỏi hơn chúng bạn, để nó không cười mình. Học phổ thông, năm nào tôi cũng được bầu làm lớp trưởng và đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Những tấm giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi của tôi cứ nhiều lên, bố mẹ nâng niu những tờ giấy đó như báu vật của đời mình. Nhưng nhà tôi không có chỗ treo, vì nếu treo trên tường thì trời mưa sẽ ướt hết. Bố đem tất cả những tấm giấy khen đó gói lại cẩn thận trong bọc nylon, rồi để trong một chiếc vại sành. Bố bảo làm như vậy sẽ không bị vàng ố, đến sau này khi con lớn lên, xây được nhà mới, không dột nữa thì sẽ lấy ra treo, nó sẽ vẫn mới như bây giờ.Và rồi kỳ thi đại học cũng đến. Ngày tôi lên Hà Nội thi mang theo biết bao niềm tin, sự kỳ vọng của bố mẹ, ông bà ngoại. Tôi cũng rất tin tưởng vào bản thân, tin vào nghị lực và ý chí của tôi, có lẽ vì thế mà tôi đã chủ quan khi làm bài. Đề thi không khó, tôi làm xong sớm và ra khỏi phòng thi trước nhất, cả ba môn đều vậy. Ra khỏi phòng thi tôi không xem đáp án mà lên xe về quê luôn với bố.

Nhưng ngày nhận kết quả thi, cả nhà tôi đã khóc. Cầm tờ giấy báo điểm mà không thể tin vào mắt mình, tôi đạp xe một mạch đến nhà một người bạn để xem lại đáp án thì mới vỡ lẽ mình làm sai quá nhiều. Lỗi tất cả là do tôi quá chủ quan, vừa đạp xe về nhà, tôi vừa khóc ròng. Tôi thương bố mẹ nhiều lắm, cứ nghĩ đến ánh mắt của bố đứng ngóng tôi trước cửa phòng thi, đến những ngày tháng khổ cực của cả gia đình tôi lại bật khóc, chỉ trách mình sao lại có thể chủ quan đến vậy. Khi biết kết quả, mẹ khóc sưng húp cả mắt còn bố chỉ uống rượu. Trong nhà lúc đó chỉ có tiếng khóc và nồng nặc mùi rượu, tôi vẫn im lặng đến tàn nhẫn, chỉ biết tự trách mình. Vậy là ước mơ đổi đời bằng việc học của tôi và cả gia đình tan vỡ trong giọt nước mắt của mẹ, trong sự trầm ngâm bên chai rượu của bố tôi. Tôi là niềm hy vọng lớn nhất của cả gia đình, vậy mà lại không làm được điều mà bố mẹ mong mỏi.

Nhưng rồi chính mẹ là người đã gạt nước mắt, đưa bố ra khỏi men rượu, đưa tôi ra khỏi sự im lặng ghê sợ ấy. Mẹ đã nói quả quyết: “Con phải thi lại, mẹ tin con”, chỉ thế thôi cùng đủ làm tôi đứng dậy để làm lại tất cả rồi. Mỗi buổi mẹ lại đi lau nhà thuê cho người ta, bố chuyển sang làm phụ hồ, còn tôi chỉ im lặng với sự quyết tâm đến tột cùng. Tôi rất ít ra ngoài vì tôi không muốn nhìn thấy ánh mắt thương hại của mọi người dành cho tôi với những câu hỏi làm tôi lạnh gáy: “Sao học giỏi thế mà lại không thi đậu à? Nhà mày muôn đời không thoát được kiếp ăn mày đâu, con nhà nghèo mà còn đòi học cao”.Tôi im lặng với tất cả, chỉ nung nấu quyết tâm thi đỗ đại học để bố mẹ không còn bị khinh rẻ, để cả gia đình được ngẩng mặt nhìn mọi người. Tôi vẫn không thể nào quên được mùa đông năm đó, Tôi và mẹ đi chở gạch thuê cho người ta, mỗi chuyến gạch được hai đến ba nghìn, cả ngày cũng được mấy chục nghìn.Hai mẹ con thường đi từ sáng sớm đến quá trưa và tối mịt mới về. Trời đã tối rồi, hai mẹ con rất đói nhưng vẫn muốn chở một chuyến gạch nữa để thêm được mấy nghìn mua bữa đậu phụ cho cả gia đình, nhưng vì đường tối, tôi không nhìn rõ đường nên cả xe gạch đã lao xuống mương nước. Mẹ tôi vừa khóc vừa xếp lại xe gạch, còn tôi chỉ nghiến chặt răng, tự nhủ rằng mình sẽ thi đỗ đại học.

Rồi một năm cũng qua đi, tôi lại lên Hà Nội thi đại học, mang theo niềm tin, sự kỳ vọng của những người thân yêu cùng những năm tháng cả nhà tôi đã phải sống khổ cực trong sự nghèo khó, trong sự kỳ thị, khinh rẻ của mọi người. “Lần này con sẽ làm được bố mẹ à”, tôi đã tự hứa như vậy khi đi thi.

Ngày nhận giấy báo điểm mẹ tôi lại khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khôn tả. Tôi thi đỗ với số điểm đứng thứ ba của trường, ước mơ cả cuộc đời lam lũ của mẹ là tôi được vào đại học giờ đã thành hiện thực. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt gầy gò, trong đôi mắt hốc hác của bố mẹ tôi, còn gì hạnh phúc hơn.

Vậy là ước mơ đỗ đại học của tôi đã thành hiện thực, bây giờ tôi đã là cậu sinh viên năm thứ hai của một trường đại học danh tiếng trên Hà Nội. Ở nhà, bố mẹ vẫn phải đi làm thuê làm mướn để có tiền cho tôi ăn học. Tôi biết vẫn còn rất nhiều chông gai đón đợi phía trước nhưng tôi tin mình sẽ vượt qua được, vì có biết bao nhiêu người đang đặt niềm tin nơi tôi.

Tôi sẽ cố gắng học thật giỏi để hoàn thành ước mơ “học để cuộc đời sẽ đổi khác” mà bố mẹ đã chắp cánh cho tôi từ những ngày nghèo khổ của gia đình. “Con người ta dù sống trong hoàn cảnh nào cũng phải biết ước mơ và phải luôn biết cách để biến ước mơ thành hiện thực”, đó là câu nói mà bố vẫn nhắc nhở tôi trong những ngày cơ cực. Tôi nghĩ đó chính là giá trị mà bố mẹ , cuộc sống dẫ ban tặng cho tôi trong cuộc đời này.

(Sưu tầm)



Thống kê truy cập