Giới thiệu chung

Xin chào mừng các bậc cha mẹ học sinh và các con đã đến với Trường THPT Thăng Long, ngôi trường đã khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện và kỷ cương nền nếp hàng đầu khối trường THPT của thành phố Hải Phòng. Chúng tôi xin trân trọng gửi đến quý CMHS và các con lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin về sự nghiệp trồng người của trường THPT Thăng Long trên con đường phát triển và hội nhập...

Xem tiếp

Chiến lược phát triển trường THPT Thăng Long Giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THPT THĂNG LONG

GIAI ĐOẠN 2025 - 2030 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

 

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày 13/5/1998 UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định số 749/QĐ-UB cho phép tách Cơ sở 3 Trường PTTH dân lập Toa xe, thành lập Trường PTTH dân lập Thăng Long. Nhưng trong thực tế, khi Trường PTTH dân lập Thăng Long còn là Cơ sở 3 Trường PTTH dân lập Toa xe đã hoạt động theo mô hình trường Tư. Vì thế, tháng 3/2004 HĐQT trình UBND thành phố Hồ sơ xin chuyển đổi trường thành loại hình trường Tư, ngày 20/5/2004 UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định số: 1504/QĐ-UB chuyển loại hình Trường PTTH Dân lập Thăng Long thành Trường THPT Tư thục Thăng Long, đồng thời công nhận bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Mai là Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Hiệu trưởng. Năm 2007, căn cứ Điều lệ trường Trung học ban hành kèm theo quyết định số 07/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/4/2007 của Bộ GD - ĐT, UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định số 1461/QĐ-UBND ngày 10/8/2007 cho phép đổi tên Trường THPT Tư thục Thăng Long thành Trường THPT Thăng Long.

Việc ra đời của Trường THPT Thăng Long nói riêng và của hệ thống trường ngoài công lập trong cả nước nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục; Phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 - 2010 Ban hành kèm theo Quyết định số: 201/2001/QĐ- TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2021 Ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 15 năm (01 năm học 1997 - 1998 là Cơ sở 3 Trường PTTH dân lập Toa xe, và 14 năm học từ 1998 - 1999 đến 2011 - 2012), trường THPT Thăng Long đã không ngừng cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn để phát triển về mọi mặt và từng bước trưởng thành.

Nhà trường đã tiến hành kiểm định chất lượng GD lần thứ nhất (chu kỳ 1) giai đoạn 2008 - 2012. Ngày 19/6/2012 tại Quyết định Số: .....  UBND thành phố Hải Phòng công nhận Trường THPT Thăng Long đạt tiêu chuẩn chất lượng GD giai đoạn 2012 – 2016 (cấp độ 3). Trong suốt giai đoạn này nhà trường đã có nhiều đổi mới sáng tạo, cải tiến chất lượng công tác quản lý tài chính, tài sản, các hoạt động GD và dạy học để hoàn thành “Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến 2020”.

Để tiếp tục lộ trình phát triển, nhà trường đã tiến hành kiểm định chất lượng GD chu kỳ 2, giai đoạn 2013 - 2019. Cùng với đó là việc tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung “Chiến lược phát triển Trường THPT Thăng Long giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung đó, nhà trường đã xây dựng “Chiến lược phát triển Trường THPT Thăng Long giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 05/10/2018 giám đốc Sở GD - ĐT ký quyết định Số: 1163/QĐ-SGDĐT-KTKĐ về việc thành lập đoàn đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông. Sau đó, giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng công nhận Trường THPT Thăng Long là trường học đạt tiêu chuẩn chất lượng GD (cấp độ 3) tại Quyết định Số: 34/QĐ-SGDĐT-KTKĐ ngày 14/01/2019.

Hiên nay, nhà trường đã và đang áp dụng Thông tư Số: 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng GD và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và Công văn Số: 5932/BGDĐT-QLCL ngày 28/12/2018 của Bộ GD - ĐT về việc hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở GD phổ thông, Hội đồng tự đánh giá của trường đã tiến hành công tác KĐCLGD chu kỳ 3, giai đoạn từ năm học 2019 - 2020 đến năm học 2023 - 2024, trong đó công tác tự đánh giá đã được Hội đồng tự đánh giá của trường thực hiện từ tháng 10/2023. Cùng với đó, Hội đồng trường đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung “Chiến lược phát triển trường THPT Thăng Long giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030” để làm căn cứ xây dựng “Chiến lược phát triển trường THPT Thăng Long giai đoạn 2025 - 2030 và định hướng đến năm 2035” - cơ sở quan trọng để Hội đồng trường, Ban giám hiệu có những quyết sách đúng đắn, định hướng mục tiêu chiến lược và thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng chủ yếu, khả thi, nhằm xây dựng Trường THPT Thăng Long trở thành trường có chất lượng tốt và phát triển bền vững.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển Trường THPT Thăng Long giai đoạn 2025 - 2030 và định hướng đến năm 2035” còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhà trường trong việc thực hiện chính sách xã hội hoá GD của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Đồng thời là việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, góp phần xây dựng ngành giáo dục thành phố Hải Phòng phát triển, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập Khu vực và Quốc tế.

B. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH NHÀ TRƯỜNG NĂM HỌC 2023 - 2024

I. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên

1. Giáo viên: 64, trong đó có 39 GV cơ hữu. Trình độ: chuẩn 64 - đạt 100%; trên chuẩn: 15 - đạt 23,4%

2. CBNV: 24. Trong đó: BGH: 03, trình độ chuẩn 100%, trên chuẩn 01 - đạt 33,3%. Nhân viên: 21, trình độ chuẩn 100%

II. Quy mô học sinh, kết quả đào tạo

1. Quy mô: 27 lớp, trung bình 42 học sinh/lớp

2. Kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm trong 5 năm học gần đây:

Năm học

 Xếp loại hạnh kiểm /

Kết quả rèn luyện

Xếp loại học lực /

Kết quả học tập

Tốt

Khá

Tb

Giỏi

Khá

Tb

Yếu

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

2019 - 2020

997

98.2

18

1.8

0

0

308

30.9

509

51.05

180

18.05

0

0

2020 - 2021

1.018

100

0

0

0

0

796

78.2

222

21.8

0

0

0

0

2021 - 2022

1.004

100

0

0

0

0

794

79.08

210

20.92

0

0

0

0

2022 - 2023

1.011

100

0

0

0

0

814

80.5

196

19.5

0

0

0

0

2023 - 2024

1.124

100

0

0

0

0

1.099

97.7

25

2.3

0

0

0

0

* Năm học 2023 – 2024: Là kết quả học kỳ 1

3. Kết quả thi HSG, tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH 5 năm học gần đây:

Năm học

Giải HSG

Tốt nghiệp

Đỗ Đại học

Tốt nghiệp THPT

% tốt nghiệp

Điểm bình quân các môn thi TN/TP

Số HS đỗ ĐH

%

2019 - 2020

14 (1II, 7III, 6KK)

278

100

7.3 - XT 8/60

278

100

2020 - 2021

18  (1II, 7III, 10KK)

380

100

7.638 - XT 4/60

380

100

2021 - 2022

Sở GD không tổ chức thi do dịch Covid 19

312

100

7.952 - XT 2/62

312

100

2022 - 2023

15 (1III, 14KK)

312

100

7.728 - XT 3/62

312

100

2023 - 2024

14 (2II, 4III, 8KK)

366

/

/

/

/

Trong suốt 05 năm học vừa qua nhà trường đã khẳng định chất lượng GD toàn diện, kỉ cương nền nếp tốt, được CMHS và HS tin cậy, yêu mến; uy tín nhà trường ngày càng nâng cao.

III. Những điểm mạnh và thành tích nổi bật

1. Hội đồng trường (Hội đồng quản trị)

Là những nhà giáo có tầm nhìn khoa học, sáng tạo, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Mọi sự đầu tư và định hướng chiến lược phát triển nhà trường đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng GD, vì quyền lợi của HS và người lao động, vì sự phát triển bền vững của nhà trường.

2. Ban giám hiệu

Ban giám hiệu đều trưởng thành từ giáo viên, nên đều là những cán bộ quản lý hiểu nghề, yêu nghề, say nghiệp, ham học hỏi, đoàn kết và luôn chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động GD của nhà trường. Kế hoạch làm việc và công tác chỉ đạo của Hiệu trưởng cụ thể, rõ ràng. Luôn lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của người lao động, CMHS và HS để điều chỉnh chế độ chính sách, kế hoạch kịp thời cho phù hợp với thực tế.

Công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ và đột xuất đều đảm bảo thực chất, nghiêm túc và sâu sát. Phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đạo đức của người lao động. Vì thế các thành viên trong Hội đồng trường, BGH luôn được được đội ngũ CBGVNV, CMHS và HS nhà trường yêu mến và tin cậy.

3. Đội ngũ nhà giáo, nhân viên

100% CBGVNV chấp hành tốt kỷ luật lao động và qui chế chuyên môn, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng tốt yêu cầu công tác GD và dạy học.

Nội bộ trường đoàn kết, yêu nghề, năng động, sáng tạo, có tinh thần hợp tác và chia sẻ với đồng nghiệp. Có ý thức tự học, đổi mới phương pháp GD và dạy học với tinh thần trách nhiệm “Coi việc trường như việc nhà”, luôn có ý thức đóng góp nâng cao chất lượng GD, xây dựng nhà trường phát triển.

4. CSVC, UDCNTT, công nghệ AI và truyền thông trong quản lý, GD và dạy học

- Nhà trường được UBND thành phố giao 1.799m2 đất, với đủ giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ địa chính xác định khu đất nằm trong quy hoạch đất GD của quận Ngô Quyền của. Diện tích sử dụng 5.285m2 sàn (nhà A: 1.200m2, nhà B: 800 m2, nhà C: 1.120m2, nhà D: 1.000m2, nhà E: 375m2 và sân trường: 560m2, sân thượng nhà D: 230m2)

- Hệ thống Wifi băng thông rộng phủ sóng toàn trường (sân trường, hành lang, cầu thang và tất cả các phòng học, phòng làm việc và các phòng chức năng…) phục vụ công tác quản lý, GD và dạy học UDCNTT;

- Tổng số có 27 phòng học được trang bị đầy đủ máy lọc nước uống tinh khiết, tủ sách hiếu học. Trong tất cả các phòng học đều có hệ thống dạy học ứng dụng CNTT đường truyền HDMI, TV LCD 55 inhches kết nối hệ thống truyền hình trực tuyến hỗ trợ dạy học, triển khai các hoạt động GD, Olympic các môn học trên lớp hoặc dưới sân trường.

- 08 phòng chức năng được trang bị chuẩn, gồm: 01 phòng học âm nhạc; 01 phòng học thông minh; 01 phòng học và trưng bày các sản phẩm GD STEM; 01 phòng thí nghiệm Hoá Sinh; 01 phòng thí nghiệm Vật lý; 01 phòng thư viện điện tử với 10 máy tính; 02 phòng máy với 82 máy tính nối mạng để học sinh thực hành, khai thác và sử dụng Internet;  

- 12 phòng làm việc (01 phòng HT, 02 phòng PHT, 01 phòng tư vấn học đường, 01phòng quản lý HS thông qua hệ thống Multimedia với 74 camera và 36 micro thu phát âm thanh, 01 y tế, 01 KT-TV, 01 giáo vụ, 02 Hội đồng GV, 01 BV, 01 Bếp ăn; 01 phòng nước uống tinh khiết phục vụ bộ phận Lao công, bảo vệ và bếp ăn;

- 06 phòng vệ sinh (02 phòng vệ sinh GV, 04 phòng vệ sinh HS);

- 01 nhà để xe giáo viên và khu vực để xe HS (02 sàn dẫy A, 03 phòng dãy B, 01 phòng dãy C và 02 sàn dãy D) , tất cả đều tiện nghi và ngăn nắp.

- 13 máy tính xách tay phục vụ giáo viên lên lớp dạy học có ứng dụng CNTT, 11 máy văn phòng, 04 màn hình LED (sân trường 01, phòng âm nhạc, phòng hội đồng GV 01, cổng trường 01 bảng điện tử)

- 32 TV LCD, 02 máy quay phim, chụp ảnh; 07 máy in, 02 máy photocopy; 02 projector, 02 màn chiếu; 02 máy chiếu đa năng...

- Ứng dụng CNTT, công nghệ AI và các phần mềm quản lý, phần mềm dạy học, ôn luyện, thi online trong quản lý GD và dạy học là thế mạnh của nhà trường.

Hệ thống Multimedia của trường kết nối 74 vị trí phòng học, phòng thực hành và các vị trí trọng yếu trong trường giúp công tác quản lý nội bộ tiện ích, hiệu quả. CMHS có thể truy cập vào phòng học của con qua Camera Internet

Tự thiết kế và ứng dụng nhiều phần mềm quản lý, tiện ích và hiệu quả trong công tác tuyển sinh, quản lý các kỳ thi, xếp TKB… Phần mềm quản lý học sinh TL- E School  là cầu nối 100% gia đình HS với nhà trường mang lại hiệu quả thiết thực trong mối quan hệ Gia đình - Nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Tham gia đầy đủ các phần mềm quản lý trên hệ thống CSDL ngành, thường xuyên update kế hoạch GD, Kế hoạch bài dạy đúng thời gian quy định.

Từng bước tích cực và tăng cường tham gia chuyển đổi số trong GD. Cụ thể, trường THPT Thăng Long đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi trong nhà trường như dạy học trực tuyến (E-learning); Sử dụng giáo trình điện tử thay cho SGK giấy, rất tiện lợi để thiết kế giáo án điện tử, bài giảng E-learning…

 Nhà trường đã thực hiện tốt và hiệu quả chuyển đổi số trong các lĩnh vực liên quan như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Tài chính, Thuế… 

IV. Hạn chế và kế hoạch cải tiến chất lượng

1. Hạn chế

Đầu vào HS lớp 10 thiếu ổn định về chất lượng; Diện tích đất hẹp, mật độ học sinh lớn. Thiết bị dạy học của các nhà sản xuất tại Việt Nam chất lượng thấp, đặc biệt là môn Vật lý đã làm hạn chế hiệu quả ứng dụng, gây lãng phí khá lớn cho nhà trường.

2. Quá trình thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng và những thành tích nổi bật

2.1. Về cơ sở vật chất

- Giảm số lượng HS/lớp, tăng diện tích sử dụng để giảm mật độ HS/m2 sử dụng:

Năm 2008 nhà trường đã đầu tư quy hoạch lại nhà lớp học, phá dỡ nhà 2 tầng cũ nằm giữa sân trường để mở rộng sân trường;

Xây mới nhà lớp học 4 tầng (nhà D) gồm 08 phòng học, 01 phòng thí nghiệm Hoá, Sinh; 01 thư viện; 01 phòng quản lý HS bằng hệ thống Multimedia; 01 phòng y tế; 01 phòng Hiệu trưởng; 01 phòng tư vấn tâm lý học đường và nhà xe HS tại tầng 1;

Năm 2014 Xây dựng mới nhà lớp học 5 tầng (nhà E) gồm 4 phòng chức năng (01 phòng Hội đồng GV, )2 phòng Vi tính, 01 phòng thí nghiệm Vật lý và tầng 1 làm nhà xe GV và bếp ăn tập thể;

Năm 2016 làm mới 03 công trình, gồm: 01 vườn sinh học nhỏ trên sân thượng tầng 3 nhà C; làm nhà xe nâng 02 tầng bằng thép tại tầng 1 nhà D; Xây mới phòng đa năng tại tầng 4 nhà B, nay là phòng học thông minh, GD STEM và trưng bày các sản phẩm STEM.

Năm 2021 xây mới nhà lớp học 05 tầng (nay là nhà A) gồm: tầng 01 ngăn 02 để xe HS, 09 phòng học tầng 2, 3, 4 và tầng 5 là phòng học âm nhạc.  

2.2. Về công tác quản lý, hoạt động GD, dạy học và những thành tích nổi bật

Từ năm học 2007 - 2008 đến năm học 2022 - 2023 trường THPT Thăng Long liên tục xếp ở vị trí dẫn đầu khối trường THPT NCL, top đầu khối trường THPT của thành phố Hải Phòng. Nhà trường liên tục được UBND thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc. Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 năm 2008, tặng Huân chương Lao động hạng 2 năm 2016. Chi bộ trường liên tục đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công đoàn liên tục đạt danh hiệu vững mạnh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh liên tục là đơn vị “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học” và được các cấp tặng nhiều bằng khen.

C. THỜI CƠ, THÁCH THỨC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ƯU TIÊN

I. Thời cơ

1. Chính sách ưu tiên khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực GD của Đảng, Nhà nước và Thành phố rất cụ thể: Nghị quyết số: 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005; Nghị định số: 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008… Cùng với đó, nhu cầu được thụ hưởng GD chất lượng cao, chú trọng GD kỹ năng sống trong môi trường GD hạnh phúc, trong lành của xã hội ngày càng tăng.

2. Đội ngũ CBGVNV của nhà trường thường xuyên được tư vấn, bồi dưỡng nên hầu hết có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập. CSVC, môi trường GD của nhà trường hiện đại, văn minh và thân thiện. Trong nhiều năm liền nhà trường là đơn vị dẫn đầu khối trường THPT NCL, trong tốp đầu khối trường THPT của thành phố Hải Phòng. Nhà trường đã khẳng định uy tín và thương hiệu với nhân dân thành phố. Vì thế, nhu cầu của CMHS muốn cho con được vào học trường THPT Thăng Long hàng năm là rất lớn.

II. Thách thức

1. Đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đòi hỏi chất lượng GD ngày càng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV, NV phải không ngừng học và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, thành thạo việc ứng dụng CNTT, sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin (AI, google…) và ngoại ngữ để nâng cao năng lực cho bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập.

2. Mỗi gia đình ngày nay hầu hết chỉ có từ 1 đến 2 con nên có xu hướng nuông chiều, đáp ứng mọi yêu cầu của con về vật chất ngày càng lớn. HS được cha mẹ chiều chuộng nên tính ỷ lại, ích kỷ gia tăng, ý chí tự lực có nguy cơ giảm sút trong HS. Việc học hành, thi cử khá áp lực, xét tuyển vào đại học với quá nhiều nguyện vọng, khiến HS cảm thấy mung lung, dàn trải, tư tưởng “đứng núi nọ, trông núi kia” trong việc xác định mục tiêu, định hướng nghề nghiệp tương lai...

Đối với các khối HS lớp 11 lên 12, lớp 10 lên 11 và tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 đã có quá nhiều câu hỏi, băn khoăn về kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH từ năm 2025 mà nhà trường chưa thể tư vấn đầy đủ và chính xác cho CMHS và HS. Vì thế, nhà trường chỉ có thể tăng cường và thường xuyên công tác tư vấn tâm lý, GD HS ý thức trách nhiệm, tự giác, tự lực vươn lên trong học tập, rèn luyện và trong cuộc sống thì dù thi tốt nghiệp hay xét tuyển theo hình thức nào thì HS cũng không có gì phải e ngại, lo lắng…, trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ công khai quy định để CMHS và HS an tâm.

III. Xác định những vấn đề ưu tiên

1. Tuyên bố “tầm nhìn”, “sứ mệnh”, “giá trị cốt lõi” và “mục tiêu giáo dục” trong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035.

2. Tiếp tục xây dựng CSVC - kỹ thuật, đầu tư mua sắm đồ dùng dạy học, trang thiết bị dạy học hiện đại. Tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và khai thác ứng dụng công nghệ AI… trong công tác quản lý GD và dạy học.

          3. Xây dựng đội ngũ CBGVNV chuyên nghiệp, trình độ 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, đạt tỷ lệ trên chuẩn theo tiêu chuẩn trường đạt Kiểm định chất lượng GD mức 3. Xây dựng môi trường giáo dục mô phạm, dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ quản lý GD.

4. Xây dựng và triển khai ứng dụng hệ thống chuyên đề tư vấn cho CMHS về phương pháp quản lý, giáo dục con và hệ thống chuyên đề tư vấn, giáo dục kỹ năng mềm để HS phát triển các chỉ số con người, 12 giá trị sống và 10 phẩm chất của công dân toàn cầu. Tăng cường định hướng đào tạo và thi tiếng Anh chuẩn quốc tế; Mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục và giao lưu Quốc tế.

5. Tích cực tổ chức triển khai thực hiện đổi mới chương trình GD trung học theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 Quốc hội khóa 13: “Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.”

D. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2025 - 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

          I. TẦM NHÌN, SỨ MỆNH, GIÁ TRỊ CỐT LÕI VÀ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC

          1. Tầm nhìn

          Trở thành trường THPT chất lượng cao trong hệ thống GD quốc dân Việt Nam, đào tạo nên những công dân khoẻ mạnh về thể chất, phong phú về tâm hồn, nhân cách và trí tuệ thời đại, bản lĩnh giải quyết vấn đề, nắm bắt cơ hội để tạo dựng thành công trong thời đại hội nhập Quốc tế.

          2. Sứ mệnh

          Tiên phong đổi mới, không ngừng sáng tạo, áp dụng phương pháp quản lý và tư duy giáo dục hiện đại. Tạo dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, chất lượng giáo dục cao để mỗi HS đều có cơ hội phát triển tối đa năng lực bản thân và tư duy sáng tạo.

          3. Giá trị cốt lõi

          Được xây dựng nên bởi 12 giá trị sống: trung thực; tôn trọng; khiêm tốn; trách nhiệm; hợp tác, giản dị; khoan dung; yêu thương; hạnh phúc; tự do; đoàn kết; hòa bình và 10 phẩm chất của Công dân toàn cầu: ham hiểu biết; có kiến thức; có phương pháp tư duy khoa học; có khả năng giao tiếp; có tính kỷ luật; có đầu óc cởi mở; có óc xét đoán; dám mạo hiểm; biết cách cân bằng cuộc sống; biết quan tâm bản thân, gia đình và cộng đồng.

4. Mục tiêu chiến lược

4.1. Tiên phong đổi mới và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại. Xây dựng trường THPT Thăng Long trở thành mô hình giáo dục hiện đại, uy tín về kỷ cương nền nếp và chất lượng giáo dục.

4.2. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên được phát huy hết năng lực và sở trường của bản thân. Trường THPT Thăng Long cam kết luôn quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ với đội ngũ CBGVNV của trường những vấn đề khó khăn trong công việc và trong cuộc sống để người lao động luôn tận tâm với nghề, say mê với sự nghiệp trồng người với tất cả kiến thức, tình thương, lòng nhiệt tình, mang đến cho HS những điều mới mẻ nhất hàng ngày.

4.3. HS được giáo dục và rèn luyện ý thức tự giác, biết cách học, tự học khoa học; sử dụng thành thạo CNTT, công nghệ AI, các phần mềm học tập, ôn luyện phục vụ học tập, nghiên cứu, phát huy trí lực và kỹ năng để HS không chỉ nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản của tất cả các môn học, biết cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống một cách độc lập và sáng tạo mà còn mang đậm phong cách HS trường THPT Thăng Long với lối sống đẹp, thân thiện, thật thà, hoà nhập, chia sẻ, phù hợp với truyền thống dân tộc và cuộc sống hiện đại. Trường THPT Thăng Long cam kết sẽ tạo nên một môi trường GD mô phạm, chính quy, dân chủ, thân thiện, văn minh, hiện đại và trong lành để HS mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc.

4.4. Cha mẹ học sinh được tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp quản lý, dạy con nên người thông qua các chuyên đề tư vấn thiết thực dành cho CMHS để họ tự giác vào cuộc tham gia vào quá trình giáo dục con thông qua các chuyên đề GD 12 giá trị sống; 10 phẩm chất của Công dân toàn cầu; Tư duy khoa học 5W1H; Phương pháp học và tự học hiệu quả; các chuyên đề GD kỹ năng mềm, văn hóa giao tiếp, ứng xử để phát triển các chỉ số con người... Trường THPT Thăng Long cam kết sẽ là cầu nối trong các mối quan hệ giữa các con với cha mẹ HS và xã hội. Nhà trường sẽ luôn sát cánh cùng với CMHS giáo dục các con trở thành những người con trưởng thành, hiếu thảo, có lòng biết ơn và là những công dân năng động, quyết đoán, mạnh mẽ và đầy trách nhiệm trong tương lai.

4.5. Trường THPT Thăng Long sẽ luôn là một ngôi trường điển hình trong việc vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Thăng Long sẽ là trường tiên phong thực hiện và đạt hiệu quả cao những chính sách mới của Đảng, Nhà nước và Thành phố về xã hội hóa giáo dục, để nhà trường ngày càng trở nên hiện đại, kỷ cương nền nếp, chất lượng giáo dục ngày càng cao, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trường THPT Thăng Long đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định mình, để mãi là niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, CMHS và học sinh.

 

II. CHỈ TIÊU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC ĐẾN NĂM 2025

1. Đội ngũ cán bộ, giáo viên

Duy trì đủ cơ cấu nhân sự và tỷ lệ giáo viên cơ hữu phù hợp; 100% có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khá, tốt; không có giáo viên trình độ không đạt. Đội ngũ CBGVNV có khả năng thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực chuyên môn, GD, sử dụng thành thạo máy tính, CNTT, khai thác ứng dụng công nghệ AI phục vụ giảng dạy, học tập và công tác.

2. Học sinh

- Duy trì ổn định qui mô học sinh từ 25 đến 27 lớp, đảm bảo mỗi lớp 01 phòng học HS để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tôn trọng tính độc lập của từng lớp.    

- Kết quả học tập, rèn luyện của HS học lực khá, giỏi: ≥ 90%, không có học sinh học lực yếu, kém. Hạnh kiểm khá, tốt: 100%. HSG thành phố chiếm 45% - 50% tổng số số HS trong đội tuyển dự thi HSG thành phố đoạt giải. HS thi đỗ Đại học, Cao đẳng 100%, HS biết lựa chọn ngành nghề theo năng lực của bản thân và nhu cầu của xã hội. Tuy vậy, không nhất thiết tất cả HS 12 tốt nghiệp THPT phải vào học Đại học hay Cao đẳng mà có thể tham gia học nghề mình yêu thích, có thể du học, lao động nước ngoài... tích lũy tri thức, kinh nghiệm để khởi nghiệp và tự lập thân, lập nghiệp.

- Kết quả công tác giáo dục kỹ năng mềm: Tất cả HS của trường đều được trang bị các kỹ năng sống cơ bản và phát triển nhân cách con người với 12 giá trị sống và 10 phẩm chất Công dân toàn cầu. Tự nguyện và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện. Chuẩn bị hành trang, tự tin bước vào cuộc sống, tạo dựng thành công trong thế giới hội nhập.

3. Cơ sở vật chất, môi trường giáo dục

Hiện đại, tiện ích, thân thiện; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp xứng tầm trường đạt chuẩn chất lượng GD mức 3 của thành phố và tiệm cận mức 4.

III. CHỈ TIÊU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC ĐẾN NĂM 2030 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

1. Qui mô HS: Ổn định 25 đến 27 lớp, tuỳ theo tình hình thực tế số lượng HS vào lớp 10 và chỉ tiêu tuyển sinh được Sở GD-ĐT giao để điều tiết số lượng HS/lớp, tiến tới đạt được trung bình mỗi lớp chỉ từ 30 đến 35 HS để các thầy cô giáo và nhà trường có điều kiện quan tâm đến từng HS và HS được phát huy tối đa năng lực bản thân.      

2. Giai đoạn từ 2030 đến 2035 tất cả các chỉ tiêu trong quản lý và trong các hoạt động GD và dạy học đều vượt mức giai đoạn 2025 - 2030.

 

IV. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ĐẾN NĂM 2030 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

1. Tuyên bố “tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và mục tiêu phát triển” đảm bảo phù hợp với tiềm năng của nhà trường và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương; Phù hợp yêu cầu đổi mới giáo dục, xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Công khai toàn văn “Chiến lược phát triển Trường THPT Thăng Long giai đoạn đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035” tại bảng tin, tại phòng hội đồng GV và đưa lên website của nhà trường để đội ngũ CBGVNV, CMHS và HS tham góp ý kiến xây dựng. Hội đồng trường có nhiệm vụ tiếp nhận ý kiến, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện, trình giám đốc Sở GD - ĐT phê duyệt.  

4. Trong môi trường giáo dục mô phạm, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, tất cả vì chất lượng giáo dục, hiệu quả công việc là thước đo đạo đức của người lao động. trường THPT Thăng Long sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ CBGVNV với phong cách làm việc chuyên nghiệp, năng động, hợp tác, hiện đại, coi việc trường như việc nhà.

5. Tiếp tục xây dựng và triển khai ứng dụng hệ thống chuyên đề tư vấn cho CMHS về phương pháp quản lý, giáo dục con. Đây là giải pháp quan trọng, hướng đến đối tượng được phục vụ là CMHS và HS - những người xứng đáng được thụ hưởng và đáp ứng nhu cầu được tư vấn, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm nuôi day con nên người và được thụ hưởng các dịch vụ GD khác tương xứng với sự đầu tư của họ. Trường THPT Thăng Long sẽ tạo nên một sự bền vững về nhận thức cho CMHS, để họ tự giác và thực sự cảm nhận sự cần thiết phải vào cuộc cùng với nhà trường quản lý và GD con, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD. Theo đó, ”Chiến lược phát triển trường THPT Thăng Long giai đoạn 2025 - 2030 và định hướng đến năm 2035” sẽ được hoàn thành.

6. Nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, nơi mỗi học sinh đều



Thống kê truy cập