KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024-2025

Xem tiếp

Hoàng Minh Ngọc 11B2 
"Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy một lần" 
(You are the apple of my eyes)

Trung học phổ thông Thăng Long, thật khó để diễn tả hết được suy nghĩ và cảm xúc trong tớ khi nghe ai đó nhắc đến cụm từ này. Giống như khi cậu yêu một người nhiều quá, đột nhiên nói về người ấy, cậu sẽ chẳng biết bắt đầu thế nào, miêu tả người ấy ra sao và xác định được lý do chính nào khiến cậu rung động trước người ta vậy.

Thú thật, tớ chẳng hề biết tới sự tồn tại một trường tên Thăng Long ở Hải Phòng cho đến ngày đi mua hồ sơ, bởi nó đơn giản đâu là nơi tớ mong muốn theo học nên không quan tâm vậy đó. Thời điểm bố mẹ quyết định nộp hồ sơ cho tớ vào Thăng Long, tớ gần như suy sụp hoàn toàn, tớ nói rằng: ‘’Con thà nghỉ học ở nhà một năm chứ nhất định không học ở Thăng Long’’ . Trường ngoài công lập trong suy nghĩ của tớ năm ấy chỉ dành cho những người năng lực yếu kém hay mấy đứa con nhà giàu ăn chơi gì đó. Tớ đã sai to thật to và trên hết, giờ tớ đang ở đây, mỗi ngày một thêm yêu ngôi trường từng bị tớ dè bỉu hết chỗ nói - Thăng Long.

Như bao học sinh, bọn tớ phải đi học, học 2 ca, tức là có ít nhất 7 tiếng dán mông trên lớp mỗi ngày. Nhưng thầy cô nơi đây thật tốt bụng khi tạo cho bọn tớ mỗi giờ học thật vô cùng hứng thú. Và đặc biệt nhất chính là giờ ra chơi, hi hi... Các cậu tò mò về giờ ra chơi của bọn tớ á? Ngay khi trống báo hiệu giờ ra chơi 15 phút, lập tức cả lũ chúng tớ lùa nhau như lùa vịt ra ngoài xem đồng diễn thể dục. Nhưng chỉ xem thôi thì đâu có gì để mà nói nữa, giờ giải lao thần thánh đó lớp tớ sẽ tận dụng tối đa để học bài mới với tốc độ ánh sáng hoặc ngồi dọc khắp hành lang để chép bài tập của đứa bạn bên cạnh. Có thầy cô đi qua, nét mặt rõ ngạc nhiên rồi khen lớp chăm mới vui chứ =))…

Và cũng như bao trường khác, bọn tớ phải thi. Trừ thi học kì ra, bọn tớ có vài kì thi thử THPT Quốc Gia. Điểm thi sẽ để xếp lớp trong năm học sau nên tính cạnh tranh rất cao. Cạnh tranh công bằng lắm đấy nhé, mấy cái chuyện gian lận, phao nhỏ phao to, nhắc bài chép bài là không chơi được đâu, camera tia phát chết luôn, nhận vé miễn phí tới phòng quản sinh uống trà liền =)). Nhắc tới phòng quản sinh là phải nói tới các thầy quản sinh, mặt lúc nào cũng nghiêm túc dọa thế thôi chứ gần gũi và thương học sinh lắm ấy =)). Đứa này tên gì, nhà ở đâu, biệt danh là gì, các thầy biết hết. Chả tránh được những lúc bọn học trò chúng tớ nghịch ngợm phạm lỗi, các thầy phê bình, các thầy trách song tuyệt nhiên chưa từng nặng lời xúc phạm hay đánh mắng. Trong học tập các thầy yêu cầu nghiêm túc chứ bình thường vui tính hết cỡ, thả cho bọn tớ quẩy nhiệt tình luôn.

Nói về quẩy, trường tớ đúng là số 1 rồi =)) Gần đây nhất thôi bọn tớ có 1 tuần sơ kết hoạt động sau cả tháng 7 ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống. Đặc biệt vui là buổi sơ kết hoạt động của các câu lạc bộ dân vũ và võ thuật hôm qua, toàn trường của chúng tớ như một show diễn nổi tiếng thế giới với hàng ngàn fans hâm mộ cuồng nhiệt=)) Cả lũ, không phân biệt trai gái, lớp này lớp kia, lao vào quẩy, hò hét ầm ĩ, cờ vẫy phấp phới trên khắp các hành lang lớp học, dưới sân trường trong cái nắng 31 độ của thành phố Hải Phòng. Trường mở hẳn nhạc EDM cho học sinh quẩy mới kinh chứ. Các cậu có được ở đấy mới hiểu được. Cảm giác như muốn đem toàn bộ sinh khí của mình hòa vào không khí ấy, cháy hết mình và tỏa sáng ấy. Thăng Long phải nói là max sung. Sung đến mức thầy phó hiệu trưởng còn phải phanh lại, thầy bảo để dành sức tới hội trại kìa.

Mà hội trại tít tận tháng 12 cơ, bọn tớ có 1 tuần thực hành GDQP, học xong sẽ tổ chức hội trại. Đáng tiếc là do sân trường tớ khá nhỏ nên bọn tớ phải đi xuống doanh trại bộ đội Hải quân gần sân bay để thực hiện các hoạt động này. Thành viên các lớp xúm nhau vào tự trang trí trại lớp mình, vui lắm, đứa nào cũng tranh nhau việc làm, chỉ sợ bị “thất nghiệp’’ =)) Có cầm hộ cái kéo, tìm hộ cuộn dây thôi mà vui như vớ được vàng. Nào là “Mày ơi tao có việc làm rồi” hay “Mày ơi có gì cho tao làm không?”, “Để đấy tao phụ với”, rồi hết việc thì mặt đơ ra “Ơ mình lại thất nghiệp hả chúng mày” =)) Buồn cười ghê cơ =))
Sau khi dựng trại, bọn tớ sẽ bốc thăm chủ đề: “Ẩm thực năm châu” và chuẩn bị đồ để tham gia Hội chợ. Trong khi bán đồ thì nói chung là làm đủ mọi cách, sử dụng mọi mối quan hệ chào mời, lôi kéo, thậm chí ép người ta mua cho mình bằng được, hihi… haha…=))
Và điều mà bọn tớ mong chờ nhất ở hội trại luôn luôn là đêm lửa trại, vì cả đám chúng tớ sẽ được chạy rồi hò hét rồi (lại) hò hét quanh đống lửa cháy rừng rực, nổ tí tách, gào cho tới khi rát hết cổ họng, chạy tới khi bị chúng bạn đẩy ra ngoài. Hậu lửa trại, vẫn luôn có những đôi dép cọc cạch, những cái áo không chủ, chai lọ đủ hãng, mảnh giấy đủ màu ‘^’ ‘^’ Tất nhiên bọn tớ phải dọn dẹp tử tế trước khi ra về rồi.

Nhưng sau tất cả, điều mà Thăng Long chinh phục tớ chính là mọi người coi nhau như GIA ĐÌNH thật sự, không phải cái kiểu đi đâu cũng hô hào suông “Chúng mình là một gia đình” mà là đối xử với nhau như người nhà, yêu thương coi trọng nhau như người thân. Tình cảm ấy xuất phát từ những gì tưởng chừng đơn giản nhất, từ những người cứ ngỡ xa vời như thầy cô, các bác bảo vệ, các cô lao công hay các anh chị lớp trên và bạn bè mới…

Gần như thời gian đầu, bầu không khí ảm đạm, buồn bã đến bức bối bao trùm cả phòng học. Chẳng ai thì thầm to nhỏ đôi câu, chẳng có mẩu chuyện vụn vặt đời thường nào, cứ thế đi rồi về, lặng lẽ và chán chường. Cũng đúng, bọn tớ giống nhau, thi trượt, có gì để tự tin đây. Trong lúc bạn bè khoe đỗ chuyên, kể về những chuyến đi chơi xa bố mẹ thưởng, thì đối diện với bọn tớ là gì ngoài những lời than phiền, những ánh nhìn thương hại? Đã vậy còn phải tạm biệt thầy cô đã quá mức thân thuộc, phải rời xa lũ bạn dở hơi gắn bó suốt 4 năm cấp 2 để bước vào ngôi trường mới xa lạ. Thế nhưng, các thầy cô ở đây đều rất hiểu tâm trạng của chúng tớ, động viên khích lệ nhiều lắm, rằng cấp 3 không phải đích đến cuối cùng, bọn tớ làm được gì trong tương lai mới đáng nói, rằng cánh cửa này đóng cánh cửa khác sẽ mở ra, chỉ cần bọn tớ có niềm tin và quyết tâm. Với bọn tớ khi ấy mà nói, thế là quá đủ để lấy lại cân bằng. Sau này, trưởng thành, vấp ngã thêm đôi ba lần, có lẽ chẳng ai tận tình an ủi mình như vậy nữa. Bởi vì lớn rồi, ngã tự đứng dậy, nào ai người ta đứng sau nâng mãi, lau nước mắt cho mãi, đúng không?

Tớ, năm lớp 10, chập chững bước vào trường xen lẫn giữa bỡ ngỡ, e dè và hoài nghi, đã cảm nhận được tình cảm đó một cách không thể nào tự nhiên và ấm áp hơn nữa. Tớ nhớ hôm đó là buổi chiều, tớ ra lấy xe như thường lệ và phát hiện xe tớ vướng vào xe bên cạnh. Dù tớ đã giằng giật, kéo, đá thế nào, cái xe vẫn lì lợm dính lấy cái xe ngay cạnh nó. Mọi người đều lấy xe gần hết rồi mà tớ vẫn loay hoay không biết làm sao, lại ngại chả dám mở lời nhờ ai cả. Đúng lúc đó, một chị lớp 12 nhìn thấy tớ, chị ấy tiến đến, nhẹ nhàng gỡ xe tớ ra, còn bảo tớ “Xe đạp không cẩn thận dễ bị vướng thế này lắm”. Tớ ngây một lúc mới thốt được lời cảm ơn chị ấy, vừa đạp xe về nhà vừa vui vui trong lòng. Một người mà tên của tớ chẳng tỏ, lớp của tớ chẳng hay, chỉ rõ tớ cũng là một em nhỏ cùng trường và chị đã sẵn sàng tới giúp đỡ tớ, cái đó không phải là đã đối xử với nhau như người thân thiết sao?

Trong gia đình lớn ấy, hiển nhiên không thể không nhắc tới lớp tớ rồi. Dân ban D, vốn ít trai nhiều gái, thành thử khó tránh mâu thuẫn, hờn giận, cãi nhau thậm chí thề sẽ cạch mặt nhau đến suốt đời, nhưng cuối cùng bọn tớ vẫn cố gắng hạ cái tôi của bản thân để giữ gìn tình bạn. Quan trọng hơn nữa là xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh. Khoảnh khắc bọn tớ 40 con người ngồi chen chúc trong cái trại bé tí, cùng nhau ăn uống, cùng nhau ca hát, tớ đã biết tớ yêu họ mất rồi. Giây phút ấy, giữa chúng tớ không còn khoảng cách nữa, tất cả đã trở thành một. 10A2, 11B2 và hy vọng cả 12C2 nữa. Tuy chúng tớ học tập chẳng số 1 trường, phong trào chung đứng đầu đôi ba lần nhưng chúng tớ luôn kề vai sát cánh bên nhau, đấy mới là điều ý nghĩa nhất. Mai đây, tốt nghiệp cấp 3 ra trường, học lên đại học, lập nghiệp…, lấy chồng sinh con, tớ chỉ hy vọng vài giây ngắn nhớ về năm tháng cấp 3, tâm trí chúng ta sẽ lại xuất hiện vô vàn kí ức tươi đẹp. Tươi đẹp ở đây là từng bày trò quậy phá thầy cô, từng thầm thương ai kia, từng giận hờn bạn bè, vân vân và mây mây. Chí ít cũng đã sống trọn thanh xuân, có hồi ức để mà nhớ, để mà lưu luyến, mà cười ngẩn ngơ, mà buồn đến lặng đi…!

Năm tháng vội vã như thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã trưởng thành. Mái trường cấp 3 giữa bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền cũng sẽ dần dần lùi vào ký ức. Nhưng xin đừng quên đi cái gốc của mình. Hãy nhớ, chúng mình đã ở đây, học tập và rèn luyện bên nhau là học sinh Thăng Long, chơi đùa là học sinh Thăng Long. 3 năm tươi đẹp nhất, rực rỡ nhất trong thanh xuân dành trọn cho Thăng Long, tuyệt đối không ân hận đâu. Nếu có ân hận chẳng qua là vì không thể ở Thăng Long sớm hơn một chút, lâu hơn một chút cậu nhỉ?