Tết Nguyên đán năm 1997, trong buổi liên hoan gặp mặt đầu năm họ đã quyết tâm tìm đất để xây trường, với mong muốn có một mái trường đúng nghĩa “Trường ra trường, lớp ra lớp”

Giới thiệu THPT Thăng Long

LỊCH SỬ
25 NĂM TRƯỜNG THPT THĂNG LONG (1998 – 2023)
26 NĂM THỰC HIỆN NHIỆM VỤ GD TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (1997 – 2023)

(Lịch sử thành lập, xây dựng và phát triển trường THPT Thăng Long để các thế hệ nhà giáo, cán bộ, nhân viên và học sinh nhà trường trân trọng, bảo vệ, giữ gìn và tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được)

Năm 1984, thầy Vũ Trường Sơn – giảng viên khoa Vật lý trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, chuyển công tác về trường phổ thông trung học Đoàn Kết (từ 1986 là trường THPT Chuyên Trần Phú).

lich su phat trien 1
Lễ thành lập trường Phổ thông trung học Dân lập Thăng Long 1997

Năm 1989 UBND Thành phố Hải Phòng ra quyết định số 750/QĐ/VX ngày 21/07/1989 thành lập 04 trường phổ thông trung học dân lập Nhà máy Toa xe (trường PTTH DL Toa xe), Hàng Hải, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thành phố Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên của cả nước có Trường phổ thông trung học dân lập (trường PTTH DL) nay đổi thành Trường trung học phổ thông (THPT) loại hình ngoài công lập (NCL), thay cho hình thức tổ chức lớp học Bán công trong trường Công (có từ năm 1987 ở Hải Phòng), mô hình trường mới này đã giải quyết hàng ngàn chỗ học cho con em nhân dân, góp phần ổn định xã hội, giảm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục…

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thầy Vũ Trường Sơn nhận lời mời dạy Vật lý cho học sinh trường PTTH DL Toa xe và Hàng Hải. Thấy cơ sở vật chất của các trường quá khó khăn, nhiều phòng học cấp 4, muốn vào được lớp học phải đi qua “chợ trời” chật chội, ồn ào hoặc phải băng qua đường tàu và các phân xưởng sản xuất, đi sâu vào trong nhà máy mới đến được lớp học… Thầy Sơn trăn trở: “Vì sao các em phải chịu thiệt thòi quá vậy?… Ngân sách nhà nước có hạn, thành phố còn bao nỗi lo, giáo dục chỉ là một, không thể bất cứ điều gì cũng trông chờ ngân sách Nhà nước…”. Và ý tưởng trong thầy đã hình thành: “Có thể xây dựng một trường học đàng hoàng cho các em học được không…?”

Tâm huyết của thầy được trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Mai giáo viên dạy Vật lý Trung tâm GDTX Hải Phòng – Cô Mai là người Hà Nội (HN), ngay sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý ĐHSP HN 2 năm 1981, cô nhận công tác về trường cấp 3 An Hưng, huyện An Hải – nay là Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện An Dương và cô Bùi Thị Thạch giáo viên Vật lý trường PTTH An Lão (bạn học cùng ĐHSP với thầy Sơn, sau này cô chuyển về dạy ở Trường THPT Kiến An, nay đã nghỉ hưu, sống tại HN), hai cô giáo rất nhiệt tình hưởng ứng ý tưởng của thầy Sơn.

Thời gian trôi đi, các trường PTTH DL vẫn thuê địa điểm để dạy học. Thầy Sơn thì rất bận rộn với các khóa học sinh Chuyên Lý của mình. Công tác đào tạo HSG Vật lý của thầy gặt hái được rất nhiều thành công, HS đạt nhiều giải Quốc gia, Quốc tế. Thầy vẫn giữ phong cách sống giản dị và làm việc đầy trách nhiệm của một nhà giáo tâm huyết với nghề. Nhưng, một điều thầy vẫn không quên trăn trở về ý tưởng “Phải xây dựng một ngôi trường cho những HS phải chịu quá nhiều thiệt thòi như HS các trường PTTH DL”. Lòng trắc ẩn và ý tưởng của thầy vẫn luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hai nhà giáo – cô Mai và cô Thạch. Tết Nguyên Đán năm 1997, trong một buổi liên hoan gặp mặt đầu năm, Ba thầy cô đã hạ quyết tâm: “Tìm đất mở trường – một ngôi trường đúng nghĩa, trường ra trường, lớp ra lớp…”.

Cô Mai và cô Thạch đi tìm đất ở nhiều nơi trong nội thành, sang cả Kiến An. Đến khi tưởng chừng hết hy vọng thì một cậu em họ của cô Thạch cho biết: Trong ngõ 201 Lạch Tray, quận Ngô Quyền có Trụ sở Công ty xây dựng Ngô Quyền muốn chuyển nhượng để giải quyết nợ nần cho Công ty. Tranh thủ một ngày nghỉ, hai cô cùng thầy Sơn đến gặp vị tân Giám đốc Công ty. Sau một vài lần trao đổi đã dự kiến được phương án và kế hoạch tiến hành thủ tục mua bán vật kiến trúc trên đất và chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng trường. Nhưng, những khó khăn bắt đầu xuất hiện, quả là không nhỏ… Việc huy động vốn thật không đơn giản. Thời điểm đó Thăng Long có lẽ là trường đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình huy động vốn để xây dựng trường.

lich su phat trien 2
Trụ sở Công ty XD Ngô Quyền, năm 2007 được quy hoạch lại để XD nhà D và mở rộng sân trường

MỘT SỐ MỐC THỜI GIAN VÀ SỰ KIỆN ĐÁNH DẤU QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THĂNG LONG

*****

Giai đoạn 1. Hội đồng sáng lập tìm đối tác mở trường: 02/1997 – 08/1997

Năm 1997, Nhà nước chưa có chính sách cấp đất để xây dựng trường Ngoài công lập (NCL). Vì thế, việc trình UBND thành phố đề án xin cấp đất mở trường là không khả thi. Thầy Vũ Trường Sơn nêu ý kiến: “Phải từng bước tháo gỡ khó khăn. Trước hết, phải tìm đối tác là một trường PTTH đã có tư cách pháp nhân, xin mở thêm một cơ sở mới của trường đó…”. Phương án khả thi nhất được lựa chọn là trường PTTH DL Toa xe. Thầy Sơn trao đổi ý tưởng với thầy Vũ La Tin Phó Hiệu trưởng thường trực của trường, thầy Tin đồng ý nhận trách nhiệm báo cáo Cơ quan bảo trợ là Nhà máy Toa xe về phương án thành lập Cơ sở 3 của trường.

lich su phat trien 3
Nhà A năm 1998 – 1999 nay là nhà B

Đồng thời, thầy Sơn cũng trao đổi ý tưởng với thầy Nguyễn Hữu Thịnh khi đó là Trưởng phòng GD Trung học Sở GD-ĐT Hải Phòng, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, thầy Nguyễn Thượng Chung khi đó đang công tác tại Viện nghiên cứu GD Việt Nam, tác giả của nhiều đầu sách thí nghiệm Vật lý, là người chuyên hướng dẫn thực hành các đội tuyển Quốc gia thi Olympic Vật lý Quốc tế và thầy Tạ Đức Hiền giáo viên Ngữ văn, dạy cùng trường với thầy Sơn – Một người tâm huyết với GD, tác giả của nhiều đầu sách Ngữ văn. Cả ba thầy đều nhiệt tình hưởng ứng ý tưởng của thầy Sơn. Ngày 04/5/1997, sau khi nhận được văn bản đồng ý của ông Trần Hoàn giám đốc Nhà máy Toa xe, Hội đồng sáng lập (HĐSL) Cơ sở 3 Trường PTTH DL Toa xe được thành lập, gồm 6 thành viên, nhiệm vụ được phân công như sau:

1. Cô Nguyễn Thị Mai – Chủ tịch Hội đồng sáng lập (HĐSL):

lich su phat trien 4
Cô Nguyễn Thị Mai – Chủ tịch Hội đồng sáng lập (HĐSL)

Cô Mai phụ trách chung và đảm nhiệm chính các công việc: Xây dựng đề án thành lập Cơ sở 3 trường PTTH DL Toa xe; Phụ trách việc tiến hành trình tự mua bán vật kiến trúc trên đất và chuyển giao quyền sử dụng đất của Công ty xây dựng Ngô Quyền; Phụ trách công tác tài chính, cải tạo sửa chữa, xây dựng trường; Công tác tổ chức nhân sự, tuyển dụng cán bộ, nhân viên; Soạn thảo Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Cơ sở 3 trường PTTH DL Toa Xe; Xây dựng và trình Đề án tách Cơ sở 3 trường PTTH DL Toa xe, thành lập Trường PTTH DL Thăng Long.

Năm 1997, khi đó cô Mai đã hoàn thành chương trình đào tạo Cán bộ quản lý GD, Tin học quản lý, Tin học văn phòng, Bằng 2 đại học tại chức tiếng Anh và là một trong số hai phụ nữ được UBND Thành phố Hải Phòng cử lên Hà Nội thi cao học chuyên ngành quản lý Văn hoá – Giáo dục theo “Chương trình Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ”.

2. Thầy Vũ La Tin – Phó chủ tịch HĐSL

lich su phat trien 5
Thầy Vũ La Tin – Phó chủ tịch HĐSL

Thầy Tin nay là Chủ tịch hội đồng trường Trường THPT Lương Thế Vinh, là nhóm trưởng, nhóm Cổ đông số 02. Số tiền thầy Tin huy động chiếm 30% tổng số vốn điều lệ ban đầu. Thầy đã cùng thầy Sơn trình bày ý tưởng với ông Trần Hoàn, khi đó là Giám đốc Nhà máy Toa xe cùng hợp tác mở Cơ sở 3 và ông đã nhiệt tình ủng hộ là cơ quan bảo trợ (theo Quy chế trường phổ thông Dân lập ban hành kèm theo Quyết định số 1931/QĐ, 20/8/1991 của Bộ GD-ĐT). Sau khi thống nhất ý kiến với Đảng uỷ và Ban Giám đốc, ông Trần Hoàn ra Quyết định Trường PTTH DL Toa xe mở thêm Cơ sở 3, hoạt động hoàn toàn độc lập, tự chủ về tài chính và nhân sự. Quyết định này nhằm tạo thuận lợi cho việc tách Cơ sở 3, thành lập Trường Thăng Long sau này.

3. Thầy Vũ Trường Sơn – Uỷ viên HĐSL:

lich su phat trien 6
Thầy Vũ Trường Sơn – Uỷ viên HĐSL

Thầy Sơn giúp Chủ tịch HĐSL thực hiện kế hoạch mở trường. Là thành viên Hội đồng tuyển dụng giáo viên, nhóm trưởng nhóm Cổ đông số 01. Số tiền thầy Sơn huy động chiếm 55% tổng số vốn điều lệ của trường.

4. Thầy Vũ Đình Tòng – Uỷ viên HĐSL

lich su phat trien 7
Thầy Vũ Đình Tòng – Uỷ viên HĐSL

Thầy Tòng khi đó là Phó Hiệu trưởng trường PTTH DL Toa Xe, có nhiệm vụ kí kết các hợp đồng kinh tế với Công ty xây dựng Ngô Quyền; Giám sát thi công sửa chữa, xây dựng Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị dạy học ban đầu của Cơ sở 3; Ký kết các văn bản hợp pháp liên quan đến thủ tục thành lập Cơ sở 3 và Hồ sơ liên quan đến học sinh cho đến khi hoàn thành việc tách Cơ sơ sở 3 Trường PTTH DL Toa xe, thành lập trường PTTH DL Thăng Long.

5. Thầy Nguyễn Hữu Thịnh – Uỷ viên HĐSL:

lich su phat trien 8
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh – Uỷ viên HĐSL

Thầy Thịnh là nhóm trưởng nhóm Cổ đông số 03, số tiền Thầy Thịnh huy động chiếm 15% tổng vốn điều lệ. Thầy Thịnh giới thiệu với HĐSL cô Đoàn Thị Minh Thân nguyên Hiệu trưởng trường PTTH Thái Phiên làm quản lý chuyên môn ở Cơ sở 3 trường PTTH DL Toa xe từ 01/8/1997 đến 12/5/1998. Sau đó, HĐSL trình Hồ sơ lên Sở GD – ĐT đề nghị UBND thành phố công nhận bổ nhiệm cô Đoàn Thị Minh Thân là Hiệu trưởng trường PTTH DL Thăng Long. Sau 03 năm làm việc từ tháng 8/1997 đến hết tháng 31/5/2000, khi HS khoá 1 (1997 – 2000) kết thúc năm học 1999 – 2000 ra trường, cô Thân hết nhiệm kỳ công tác. Một thời gian sau cô cùng chồng chuyển vào Vũng Tàu sống gần gia đình người con trai cả.

6. Cô Bùi Thị Thạch – Ủy viên HĐSL

lich su phat trien 9
Cô Bùi Thị Thạch – Ủy viên HĐSL

Nhà cô Thạch ở gần ngã ba An Tràng – Kiến An, chồng cô là sỹ quan quân đội, thường xuyên vắng nhà, nên cô chỉ tham gia thời gian đầu tìm đất mở trường và giảng dạy ở trường Thăng Long học kỳ 1 năm học 1999 – 2000. Vài năm sau, vì lý do gia đình cô chuyển nhượng lại số cổ phần cô sở hữu. Sau nghỉ hưu, cô cùng chồng chuyển lên HN sống gần gia đình hai con trai.

Sẽ thật là thiếu sót nếu không kể về vị tân Giám đốc trẻ, nhiệt tình và năng động của Công ty xây dựng Ngô Quyền ngày ấy là ông Lê Khắc Nam, nay Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và ông Phạm Văn Quý – chuyên viên phòng giao đất Sở Địa chính (nay là Phó cục trưởng Cục quy hoạch Bộ Tài nguyên và môi trường), người trực tiếp thụ lý hồ sơ thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng đất của Công ty xây dựng Ngô Quyền cho trường PTTH DL Toa xe để xây dựng Cơ sở 3. Bằng sự hiểu biết, năng động và các mối quan hệ của mình ông Lê Khắc Nam đã tác động đến các cấp ngành trung ương và địa phương liên quan… Kết quả cuối cùng, Tổng cục Địa chính đã ban hành một Công báo về việc thí điểm giao đất và cho miễn tiền thuê đất để xây dựng Cơ sở 3 trường PTTH DL Toa xe. Theo đó, UBND Thành phố Hải Phòng có Quyết định số 1256/QĐ-UB ngày 29/7/1997 chuyển giao quyền sử dụng đất của Công ty xây dựng Ngô Quyền cho Trường PTTH DL Nhà máy Toa xe để xây dựng Cơ sở 3. Đây là một sự kiện có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nghị định số 90/CP ngày 21/8/1997 và sau này là các Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008; Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010… của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao. Sau đó, hàng loạt trường NCL trên khắp cả nước được giao đất và miễn tiền cho thuê đất để xây dựng trường.

*****

Giai đoạn 2. Cơ sở 3, trường PTTH DL Toa xe: 05/9/1997 – 12/5/1998

Đúng kế hoạch dự kiến 05/09/1997 Cơ sở 3 Trường PTTH DL Toa xe khai giảng năm học đầu tiên, năm học 1997 – 1998 có 9 lớp 10 với 495 học sinh. CSVC của trường khi đó chỉ có 9 phòng học, 01 phòng thí nghiệm, 01 phòng thực hành tin với 15 máy tính nối mạng nội bộ và 03 phòng làm việc. Những năm đầu thành lập, Hội đồng tuyển dụng giáo viên là cô Đoàn Thị Minh Thân, thầy Nguyễn Hữu Thịnh và thầy Vũ Trường Sơn đã tuyển chọn được một đội ngũ giáo viên thỉnh giảng tốt cho trường. 

lich su phat trien 10 lich su phat trien 11

Tháng 10/1997 HĐSL triệu tập Đại hội cổ đông lần thứ 1: Thông qua “Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Cơ sở 3 trường PTTH DL Toa xe”. Hoạt động theo mô hình trường Tư, hạch toán độc lập, được sử dụng con dấu của trường PTTH DL Toa xe. Đại hội bầu Ban kiểm soát gồm 3 thành viên và HĐQT khoá 1 nhiệm kì 1997 – 2000 gồm 5 thành viên:

  1. Ông Trần Hoàn: Chủ tịch HĐQT (danh dự)
  2. Bà Nguyễn Thị Mai: Chủ tịch HĐQT (điều hành)
  3. Ông Vũ La Tin: Phó chủ tịch HĐQT
  4. Ông Vũ Trường Sơn: Ủy viên HĐQT
  5. Ông Tạ Đức Hiền: Ủy viên HĐQT

Thời điểm đó, năm 1997 chưa có quy chế trường Tư, nên phải tìm đối tác là một cơ quan bảo trợ để tách Cơ sở 3, thành lập trường PTTH DL Thăng Long, theo quy định tại Quyết định số 1931/QĐ ngày 20/8/1991 ban hành kèm theo Quy chế trường phổ thông Dân lập. Thật may mắn, thầy Sơn đã gặp được PGS-TS Nguyễn Chu Hồi giám đốc phân viện Hải Dương học tại Hải Phòng – Một nhà khoa học có uy tín, một tư duy mới, có tầm và có tâm với giáo dục.

lich su phat trien 12
HĐQT Khóa I: 1997 – 2000, khóa II: 2000 – 2005 Từ trái qua phải:
Ông Trần Hoàn (GĐ nhà máy Toa xe), Bà Nguyễn Thị Mai, Ông Vũ Trường Sơn, Ông Vũ La Tin

 

lich su phat trien 13
Ông Tạ Đức Hiền

 

lich su phat trien 14
PGS – TS Nguyễn Chu Hồi

Sau khoảng gần 40 phút nghe cô Mai trình bày và đề xuất nguyện vọng, PGS – TS Nguyễn Chu Hồi đồng ý Phân viện Hải Dương học tại Hải Phòng là cơ quan bảo trợ để thành lập trường Thăng Long và ông là người đại diện cho Phân viện ký duyệt mọi thủ tục liên quan, đề nghị UBND Thành phố Hải Phòng cho phép tách Cơ sở 3 trường PTTH DL Toa xe – thành lập trường PTTH DL Thăng Long. Tất cả chỉ với một lý do đơn giản, ông nói: “Ở các nước phát triển, có nhiều trường Tư nổi tiếng, hoạt động rất có hiệu quả. Nghe chị trao đổi, tôi thấy mục đích trong sáng và rất nhân văn. Ngân sách nhà nước có hạn, giúp chị là giúp cho giáo dục của Thành phố Hải Phòng có thêm một ngôi trường cho các cháu học sinh được học hành tử tế. Tại sao tôi lại không thể làm? Tuy nhiên, về tiền bạc và vật chất, tôi và Phân viện không có gì để giúp nhà trường và cũng không đòi hỏi thù lao gì từ phía nhà trường. Nhưng tất cả những gì hợp pháp và hợp đạo lý thì tôi sẽ giúp hết lòng, để trường sớm được thành lập. Tên trường “Thăng Long” – tôi ủng hộ… Về lâu dài, những gì dân làm được và có lợi cho xã hội thì Nhà nước phải có cơ chế thông thoáng hơn, khi đó nên đổi thành trường Tư, tên giao dịch quốc tế là: Thang Long Private High School. Những gì đúng và phù hợp quy luật khách quan chắc chắn sẽ phát triển tốt…”

Các bước tiếp theo được tiến hành khá thuận lợi với sự ủng hộ của UBND thành phố và Ban Giám đốc Sở GD – ĐT khi đó ông Trần Xuân Đình là Giám đốc, ông Đào Trung Đồng là Phó Giám đốc phụ trách GD PTTH. Để phù hợp với Quy chế trường phổ thông DL, Hồ sơ thành lập trường PTTH DL Thăng Long đề nghị Sở GD&ĐT trình UBND Thành phố tháng 03/1998, PGS – TS Nguyễn Chu Hồi được cơ cấu đương nhiên là Chủ tịch HĐQT của trường.

*****

Giai đoạn 3. Trường PTTH DL Thăng Long: 13/05/1998 – 19/05/2004

Đúng ngày kỉ niệm Hải Phòng giải phóng 13/5/1998, bà Bùi Thị Sinh phó Chủ tịch UBND thành phố ký quyết định số 749/QĐ-UB thành lập trường PTTH DL Thăng Long. Phân viện Hải Dương học tại Hải Phòng là cơ quan bảo trợ, PGS – TS Nguyễn Chu Hồi là Chủ tịch HĐQT, cô Đoàn Thị Minh Thân – Hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Mai – Phó Hiệu trưởng. Ngay sau đó, năm học 1998 – 1999 các chức danh đứng đầu các tổ chức chính trị, đoàn thể được bầu. Đại hội Đoàn trường bầu cô Bùi Thị Hằng Nga (Kế toán) là Bí thư đoàn trường đầu tiên của trường, Đại hội đoàn trường các nhiệm kỳ sau đó lần lượt bầu thầy Trịnh Quang Trường (GV Thể dục), thầy Lê Văn Tuấn (GV GDCD) là Bí thư đoàn trường. Đại hội Công đoàn trường năm học 1999 – 2000 bầu cô giáo Đinh Thị Liên (tổ trưởng tổ Toán) là Chủ tịch Công đoàn đầu tiên của trường, Đại hội Công đoàn các nhiệm kỳ sau lần lượt bầu cô Hoàng Thị Thảo Hương (GV Ngữ văn), thầy Lương Việt Cường (GV Thể dục), thầy Nguyễn Đức Tùng (Tổ trưởng tổ Văn phòng, GV Âm nhạc) là Chủ tịch Công đoàn trường.

Khi đó, PGS – TS Nguyễn Chu Hồi chỉ đồng ý vai trò là Chủ tịch danh dự của HĐQT, nên đã trao giấy uỷ quyền cho cô Nguyễn Thị Mai làm Quyền Chủ tịch HĐQT. Theo ông, như thế vừa tránh được hiểu lầm của mọi người đối với ông, vừa tạo điều kiện để nhà trường hoạt động đúng mô hình thực tế, tạo tiền đề cho việc chuyển đổi trường thành loại hình trường Tư, việc làm của PGS – TS Nguyễn Chu Hồi được HĐQT trường đánh giá rất cao.

Ngay sau khi có quyết định thành lập trường THPT DL Thăng Long, thầy Tạ Đức Hiền đưa cho cô Mai bản dịch trích Văn bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám – Thăng Long, khoa thi Nho học năm Nhâm Tuất (1442) của Tiến sỹ Thân Nhân Trung (1418 – 1499). Đoạn văn viết về tầm quan trọng của nhân tài đối với đất nước: “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia…”. Theo đó, cô Mai đã tạo điểm nhấn trong công tác GD nhân cách HS, GD truyền thống hiếu học của dân tộc và niềm tự hào về “Khuê Văn Các” văn hiến – Cổng trường Đại học Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của nước ta ở Văn Miếu Thăng Long – Hà Nội. Cũng từ đó, “Khuê Văn Các” được thể hiện chủ đạo, là biểu tượng (logo) của trường.

logo thptthanglong
Logo Trường THPT Thăng Long

Cùng với đó, để xây dựng cho các thế hệ HS của trường niềm tin và tự hào về mái trường mang tên Thăng Long, từ đó các em có ý chí quyết tâm vươn lên trong học tập và rèn luyện “vì ngày mai lập nghiệp”, cô Mai đã đề xuất ý tưởng với nhạc sỹ Tùng Ngọc (một nhạc sỹ của thành phố Hải Phòng) về một bài hát truyền thống của trường. Thật ngạc nhiên, chỉ vài ngày sau đó, nhạc sỹ Tùng Ngọc đã cho ra đời bài hát “Hành khúc trường Thăng Long”, kèm theo đĩa thu nhạc và lời bài hát. Ông xúc động tâm sự: “Tôi đã từng sáng tác nhiều bài hát truyền thống cho nhiều trường, nhưng chưa lần nào lại giầu cảm xúc và có thể sáng tác nhanh đến thế, có lẽ vì tôi tâm đắc với ý nghĩa nhân văn và truyền thống văn hiến của Văn Miếu, của Khuê Văn Các, của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Đặc biệt, tôi tâm đắc với ý tưởng của chị về một ngôi trường mang tên Thăng Long trên đất Cảng Hải Phòng đã khiến tôi thực sự xúc động, viết liền một mạch bài hát này trong một thời gian rất ngắn…” Kể từ đó, “Hành khúc trường Thăng Long” trở thành bài hát truyền thống của trường – Món ăn tinh thần giá trị, không thể thiếu của các thế hệ thầy và trò nhà trường.

lich su phat trien 15
Hành khúc trường Thăng Long (Bài hát truyền thống của trường)

Cùng với đó, những nội dung GD giá trị truyền thống và kỹ năng sống cũng đã được liên tục và kiên trì triển khai sâu rộng trong đội ngũ CBGVNV, HS và CMHS của nhà trường, như: Xây dựng và phát huy “Phong cách trường THPT Thăng Long” với tiêu chí “Hiệu quả công việc là thước đo đạo đức của người lao động”; Xây dựng và phát huy “Phong cách học sinh trường Thăng Long” với tiêu chí là “5 lời hứa danh dự của học sinh trường THPT Thăng Long”; Xây dựng và phát huy văn hóa ứng xử trong cuộc sống hàng ngày ở trường, trong gia đình và ở ngoài xã hội: “Để cho mọi việc trở nên đơn giản: Hãy nói lên sự thật, thể hiện ước muốn, giữ đúng lời hứa và làm chủ cảm xúc”… tất cả những điều đó đã trở thành nét đẹp truyền thống riêng và rất độc đáo của trường THPT Thăng Long.

Năm 2005, bà Kim Tô Hương, mẹ HS Nguyễn Xuân Kiên – lớp 12C5 (khóa 2003 – 2006) với tấm lòng cảm phục và yêu mến trường, nơi con trai bà đang theo học, bà đã sáng tác và ghi âm nhạc và lời bài hát “Niềm tin và tự hào Thăng Long trường em” tặng nhà trường. Từ đó, “Niềm tin và tự hào Thăng Long trường em” cũng đi cùng năm tháng với “Hành khúc trường Thăng Long”.

lich su phat trien 16
Bài hát “Niềm tin và tự hào Thăng Long trường em”

Năm học 1999 – 2000: CSVC của nhà trường có thêm 01 nhà lớp học 03 tầng (nay là nhà B) với 9 phòng học xây mới đưa vào sử dụng. Ngày 31/05/2000 cô Đoàn Thị Minh Thân hết nhiệm kì công tác, cô Mai được Giám đốc Sở GD – ĐT công nhận bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng phụ trách trường (quyền Hiệu trưởng). Vừa quản lý trường, vừa làm luận văn tốt nghiệp Cao học chuyên ngành quản lý Văn hoá – Giáo dục. Thời điểm đó, Quy chế ban hành kèm theo Quyết định Số: 1931/QĐ ngày 20/8/1991 của Bộ GD&ĐT nảy sinh quá nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế phát triển đi lên của nền GD nước nhà. Luận văn tốt nghiệp Cao học của cô Mai, bảo vệ ngày 05/11/2000 tại trường cán bộ quản lý GD trung ương (nay là Học viện quản lý giáo dục Việt Nam): “Các giải pháp cải tiến cơ chế quản lý trường PTTH Dân lập ở Thành phố Hải Phòng” đã được 5 Giáo sư – Tiến sỹ của Hội đồng khoa học đánh giá cao với 5 điểm 10 tuyệt đối. Người thầy đáng kính hướng dẫn cô Nguyễn Thị Mai bảo vệ luận văn tốt nghiệp Cao học là PGS-TS Đặng Quốc Bảo.

Ngày 06/08/2000: Đại hội cổ đông lần thứ 2 bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2000 – 2005. 05 thành viên HĐQT khóa 1, nhiệm kỳ 1997 – 2000 tái đắc cử. Tháng 02/2001 PGS-TS Nguyễn Chu Hồi chuyển công tác lên Hà Nội làm Chủ tịch Uỷ ban môi trường biển khu vực ASEAN, Phó viện trưởng viện kinh tế và quy hoạch Biển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển đảo Việt Nam. Ông ký Hồ sơ trình UBND thành phố Hải Phòng đề nghị chuyển đổi thành loại hình “Tư thục” cho trường Thăng Long, đồng thời gửi Công văn rút khỏi chức danh Chủ tịch HĐQT (danh dự) và vai trò bảo trợ của Phân viện Hải Dương học tại Hải Phòng. Vì khi đó chưa có Quy chế Tổ chức và Hoạt động của loại hình trường tư, nên hồ sơ của trường không có căn cứ để được chấp nhận.

Ngày 10/8/2001: Chi bộ trường PTTH DL Thăng Long được thành lập, ông Lê Vũ Thành (sau này là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy, nay đã nghỉ hưu) – Vị Bí thư Quận ủy Ngô Quyền năng động, sáng tạo và rất thân thiện, đã mềm dẻo vận dụng quy định của Đảng và các điều kiện thành lập Chi bộ cơ sở Ngoài công lập (NCL) ra Quyết định thành lập Chi bộ trường PTTH DL Thăng Long – Thăng Long đã trở thành Trường PTTH NCL đầu tiên của Thành phố Hải Phòng có Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Cô Vũ Thị Cầm – Cán bộ giáo vụ, nguyên phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD – ĐT là Bí thư Chi bộ đầu tiên của trường. Tháng 12/2005 cô Cầm nghỉ hưu sau gần 07 năm làm việc tại trường, cô mất năm 2017. Sau đó, Đại hội Chi bộ các nhiệm kỳ 2005 – 2010, 2010 – 2015, 2015 – 2020, 2020 – 2025 cô Nguyễn Thị Mai – Chủ tịch Hội đồng quản trị (nay là Chủ tịch hội đồng trường), Hiệu trưởng được bầu là Bí thư Chi bộ.

lich su phat trien 17
Lễ thành lập Chi bộ Đảng, Công đoàn
lich su phat trien 18
Lễ thành lập Chi bộ Đảng, Công đoàn

Tháng 03/2001 và tháng 02/2003 hai lần HĐQT trình hồ sơ thiết kế, làm 01 nhà xe học sinh 02 tầng, làm lại cổng trường, quy hoạch lại sân trường phá bỏ dãy nhà cũ, xây mới 1 nhà lớp học 04 tầng, do dãy nhà cũ đã được cải tạo thành nhà lớp học, nằm gần giữa sân, vốn là trụ sở của công ty xây dựng Ngô Quyền, khiến sân trường bị chia cắt thành 2 phần, rất bất tiện mỗi khi triển khai hoạt động ngoài trời cho HS. Song, vì những lí do khách quan, hầu hết các hạng mục công trình đã được cấp Giấy phép xây dựng, đều không được thi công, gây lãng phí khá lớn cho trường!

Không lùi bước trước khó khăn, HĐQT quyết định đầu tư chiều sâu, theo hướng hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại… Và Thăng Long đã trở thành một trong số ít trường PTTH của thành phố Hải Phòng, đầu những năm 2000 tiên phong ứng dụng CNTT và truyền thông. Phòng máy tính nối mạng đường truyền tốc độ cao ADSL, hệ thống Multimedia kết nối 18 vị trí phòng học với phòng quản lý học sinh. Nhiều phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý tuyển sinh, quản lý học sinh, quản lý điểm (sổ điểm điện tử), quản lý các kỳ thi… do Hiệu trưởng – thạc sỹ Nguyễn Thị Mai thiết kế hệ thống quản lý, giao cho 03 giáo viên tin học trẻ của trường lập trình vào 3 thời điểm khác nhau. Song, do GV Tin học chuyển đi hoặc buộc phải cho thôi việc – là người thấu hiểu hơn ai hết về công tác tuyển dụng và bồi dưỡng nhân sự, luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý nói chung – cô Mai đã kiên trì thiết kế lại toàn bộ hệ thống quản lý GD và dạy học của trường và giao cho em Đinh Văn Quyền HS khóa 2005 – 2008 của trường, một HS đầy nghị lực, vượt lên khó khăn do thị lực yếu của đôi mắt, nhưng em rất say mê với Tin học lập trình. Từ khi còn là HS của trường, em đã thiết kế tặng nhà trường “Phần mềm in giấy khen” rất tiện lợi khi sử dụng. Trong thời gian hoàn thành chương trình đào tạo Cử nhân tin học từ xa của ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, em đã giúp nhà trường viết mới toàn bộ phần mềm quản lý GD, dựa trên hệ thống quản lý GD do cô Mai thiết kế và hàng năm có thể điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD.

Từ đó đến nay, hệ thống phần mềm quản lý liên kết tuyển sinh, quản lý HS, quản lý các kỳ thi, quản lý điểm, sổ liên lạc điện tử… được giao cho thầy Nguyễn Đức Tùng tổ trưởng tổ văn phòng và thầy Đoàn Anh Tú GV Tin học quản trị và ứng dụng ổn định, tiện lợi, mang lại lợi ích GD và lợi ích kinh tế rất lớn, đưa thương hiệu và uy tín nhà trường ngày càng nâng cao…

lich su phat trien 19

lich su phat trien 20

*****

Giai đoạn 4. Trường THPT Tư thục Thăng Long: 20/05/2004 – 09/8/2007

Tháng 04/2004 HĐQT trình hồ sơ lần thứ 2 đề nghị UBND thành phố cho phép chuyển đổi thành loại hình “Tư thục” cho trường Thăng Long. Khi đó, Bộ GD – ĐT đã ban hành Quy chế Tổ chức và Hoạt động của trường phổ thông loại hình Tư thục, nên ngày 20/05/2004, UBND thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 1054/QĐ-UB cho phép chuyển đổi loại hình Trường PTTH Dân lập Thăng Long thành Trường THPT Tư thục Thăng Long, cô Nguyễn Thị Mai được UBND thành phố công nhận bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng.

Để hiểu tại sao từ tên gọi PTTH lại đổi thành THPT, xin được giải thích như sau: trước đây GD phổ thông hệ 10 năm, Bộ GD quy định tất cả các trường đào tạo HS từ lớp 8 đến lớp 10 là trường cấp 3, sau đó chuyển sang hệ GD phổ thông 12 năm, Bộ GD-ĐT đổi trường cấp 3 thành trường PTTH, từ năm 2004 PTTH đổi thành THPT đào tạo HS từ lớp 10 đến lớp 12 và quy định PTTH gồm 02 cấp THCS từ lớp 6 đến lớp 9 và THPT từ lớp 10 đến lớp 12.

Ngày 06/03/2005: Đại hội Cổ đông lần thứ 3, bầu HĐQT và Ban kiểm soát khóa 3, nhiệm kỳ 2005 – 2010; Thông qua “Dự thảo điều chỉnh, bổ sung một số điều của Điều lệ Tổ chức và Hoạt động Trường THPT Tư thục Thăng Long” cho phù hợp với pháp luật hiện hành và thực tế. Giai đoạn này nhà trường đã phát triển khá ổn định về quy mô và chất lượng. Đại hội bầu HĐQT khóa 3 nhiệm kỳ 2005 – 2010 gồm 3 thành viên:

  1. Bà Nguyễn Thị Mai: Chủ tịch HĐQT;
  2. Ông Vũ La Tin: Phó chủ tịch HĐQT;
  3. Ông Vũ Trường Sơn: Ủy viên HĐQT.

lich su phat trien 21

*****

Giai đoạn 5. Trường THPT Thăng Long: Từ 10/8/2007 đến nay

Luật GD năm 2005, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật GD năm 2009 và Điều lệ trường trung học Ban hành kèm theo Quyết định số: 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/04/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hệ thống GD quốc dân Việt Nam có 2 loại hình GD Công và Tư.

Điểm giống nhau của trường Công và trường Tư: Nhiệm vụ, quyền hạn như nhau trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và các quy định về tuyển sinh, giảng dạy, học tập, thi cử, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, văn bằng, chứng chỉ, thi đua – khen thưởng, chế độ chính sách đối với con của người có công, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục. Về cách đặt tên trường Công và Tư cũng như nhau: “trường trung học phổ thông + tên riêng của trường”, không ghi loại hình Công lập hay Tư thục. Theo đó, ngày 10/8/2007 UBND thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 1461/QĐ-UBND bỏ cụm từ chỉ loại hình trường “Dân lập” hay “Tư thục”. trường THPT Tư thục Thăng Long đổi thành Trường THPT Thăng Long.

02 loại hình trường Công và trường Tư chỉ khác nhau về nguồn thu Tài chính để duy trì hoạt động của nhà trường. Trường Tư: tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức các hoạt động GD, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu GD.

Trường Công: nguồn tài chính chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp, HS phải đóng góp một phần; về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường do nhà nước quy định. 

Đại hội cổ đông lần thứ 4, nhiệm kỳ 2010 – 2015 (28/3/2010); Đại hội cổ đông lần thứ 5 nhiệm kỳ 2015 – 2020 (10/4/2015); Đại hội cổ đông lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (18/4/2020) 03 thành viên HĐQT tiếp tục tái đắc cử. Để phù hợp với Luật GD số 43/2019/QH14 và Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 25/6/2022 HĐQT tổ chức Đại hội các nhà đầu tư (Đại hội cổ đông) kiện toàn nhân sự, bầu bổ sung 02 thành viên mới vào Hội đồng trường là thầy Nguyễn Đức Quyết phó hiệu trưởng và cô Vũ Thị Ngát nhân viên giáo vụ. Ngày 01/7/2022 Giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định số: 824/QĐ-SGDĐT công nhận Hội đồng trường Trường THPT Thăng Long gồm 05 thành viên.

Nghị quyết của Hội đồng trường (HĐQT) các nhiệm kỳ luôn kiên trì quan điểm giảm số lượng học sinh/lớp để nâng cao chất lượng GD. Vì thế, chất lượng GD, kỷ cương nền nếp của nhà trường không ngừng được nâng cao và đạt được những thành công đáng kể trong công tác quản lý giáo dục, ứng dụng CNTT, nghiên cứu khoa học và đặc biệt là công tác tư vấn về Phương pháp quản lý, giáo dục dạy con nên người cho CMHS. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên triển khai thực hiện các chuyên đề tư vấn tâm lý, giáo dục văn hoá học đường, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống và phẩm chất của công dân toàn cầu cho học sinh.

Hệ thống phần mềm quản lý của trường đoạt giải nhất cuộc thi phần mềm sáng tạo ngành GD Hải Phòng lần thứ nhất. Hiệu trưởng, thạc sỹ Nguyễn Thị Mai có nhiều sáng kiến về khoa học lĩnh vực GD cấp thành phố. Trong đó, có 03 sáng kiến được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo: “Các giải pháp tổ chức và triển khai công tác giáo dục văn hoá học đường cho học sinh trường THPT Thành phố Hải Phòng” (2008); “TL E – School, giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý và giáo dục học sinh” (2010) và “Các giải pháp tổ chức và triển khai thực hiện công tác tư vấn và giáo dục đạo đức học sinh THPT Thành phố Hải Phòng” (2014). 

Xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp: “Coi việc trường như việc nhà”, “Hiệu quả công việc là thước đo đạo đức của người lao động”; Môi trường GD: “Hiện đại – Dân chủ – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”, “Sạch như công viên, nghiêm như quân đội, chất lượng luôn vượt trội, không có tệ nạn xã hội” và “Tất cả cho chất lượng giáo dục”… luôn được Hội đồng trường và Hiệu trưởng quan tâm sâu sắc.

Suốt chặng đường xây dựng và phát triển, cô Nguyễn Thị Mai cùng đội ngũ tổ trưởng chuyên môn và thầy Vũ Trường Sơn đã tuyển dụng và đào tạo được một đội ngũ giáo viên, nhân viên cơ hữu trẻ, năng động, vững vàng về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Có những thầy cô giáo và nhân viên gắn bó với trường từ khi mới tốt nghiệp Đại học ra trường, như cô Nguyễn Thị Thủy GV Toán; cô Nguyễn Thị Minh Thúy GV tiếng Anh; cô Nguyễn Thị Thu Hiền GV Lịch sử; thầy Nguyễn Đức Tùng GV Âm nhạc; cô Vũ Thị Liên GV Vật lý; thầy Nguyễn Đức Quyết và thầy Đặng Quang Tuân GV Ngữ văn; cô Trần Thị Hương GV Tin học… Đặc biệt, 02 cô Huỳnh Thị Hằng (thủ quỹ) và Bùi Thị Hằng Nga (kế toán) đã gắn bó với trường, với cô Mai từ ngày đầu xây dựng Cơ sở 3 trường PTTH DL Toa xe – năm 1997.

Năm 2008 Hiệu trưởng trình Hồ sơ lên Giám đốc Sở GD-ĐT công nhận bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng đầu tiên của trường – thầy Trịnh Quang Trường (Bí thư đoàn trường, GV Thể dục). Năm 2009 thầy Trường hoàn thành chương trình đào tạo cử nhân ngành CNTT (hệ tại chức) và xin chuyển sang UBND quận Ngô Quyền làm phó Chánh văn phòng, nay là Phó bí thư thường trực – Chủ tịch HĐND quận Ngô Quyền. Tháng 11/2010 cô Nguyễn Thị Mai trình Giám đốc Sở GD-ĐT Hồ sơ đề nghị công nhận bổ nhiệm thầy Nguyễn Đức Quyết và thầy Đặng Quang Tuân làm Phó Hiệu trưởng trường nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 02 lần HĐQT trình Giám đốc Sở GD-ĐT công nhận bổ nhiệm lại hai Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025. Ngày 03/10/2019 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xét hồ sơ trình của HĐQT trường THPT Thăng Long, ra quyết định số: 1216/QĐ-SGDĐT-TCCB công nhận bổ nhiệm cô Nguyễn Thị Thuỷ, giáo viên toán là Phó hiệu trưởng của trường nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Đến nay, trường THPT Thăng Long đã có một đội ngũ CBGVNV cơ hữu trẻ, năng động, không ngừng phấn đấu vì sự phát triển đi lên của nhà trường… Bên cạnh đó, phải kể đến những thầy cô giáo thỉnh giảng đã gắn bó với nhà trường rất nhiều năm từ khi còn trẻ, còn đang dạy ở trường THPT CL nay đã nghỉ hưu lần 2 hoặc vẫn đang tiếp tục giảng dạy tại THPT Thăng Long, như thầy Nguyễn Duy Tráng, cô Hoàng Thanh Thủy (GV Toán); cô Phạm Thị Lan, cô Đỗ Thị Lan Hương, cô Nguyễn Thị Tiệp (GV Vật lý); cô Đỗ Thị Hồng Vân, cô Châu Thanh Hải (GV Hóa học); cô Vũ Thị Tuyết, cô Tống Thị Tuyết, cô Nguyễn Thị Lan, cô Trần Thị quý (GV Ngữ văn); cô Nguyễn Thị Kim Liên (GV Lịch sử); thầy Vũ Văn Trà (GV tiếng Anh); thầy Phạm Quang Biên (GV Công nghệ)… Chứng kiến và cùng nhau vượt qua những khó khăn, thành công và những thăng trầm, đội ngũ nhà giáo, cán bộ nhân viên của Trường THPT Thăng Long vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề, yêu học trò, ngày đêm phấn đấu không ngừng khẳng định năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để nâng cao chất lượng GD.

lich su phat trien 23
Đội ngũ CBGVNV
lich su phat trien 22
Đội ngũ CBGVNV

Về kế hoạch đầu tư xây dựng CSVC theo hướng hiện đại, vẫn được nhà trường kiên trì theo đuổi. Mọi lý do khách quan gây nên những khó khăn lớn cho nhà trường trong những năm 2001, 2003, 2004 cũng dần được giải quyết do có sự ủng hộ của lãnh đạo UBND thành phố, UBND quận Ngô Quyền, phường Lạch Tray. Đặc biệt là sự giúp đỡ của ông Đỗ Thế Hùng khi đó là Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Hữu Chưởng khi đó là trưởng phòng quản lý đô thị quận Ngô Quyền, bà Nguyễn Thị Kim Liên Chủ tịch UBND phường Lạch Tray và ông Phạm Minh Quang khi đó là chủ tịch Hội CMHS trường (công tác tại phòng PX15 nay là PV28 Công an TP, nay đã nghỉ hưu). Từ tháng 01/2007 đến tháng 08/2007, sau 8 tháng thi công các dự án quy hoạch lại sân trường; xây mới nhà lớp học 4 tầng (nay là nhà D); nâng cấp nhà lớp học 2 tầng (nay là nhà C) và cổng trường đã được Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Đông Đô hoàn công. Cuối tháng 7/2007, hơn 1.000 HS và gần 100 CBGVNV chuyển về trường từ nơi sơ tán là trường Cao đẳng nghề Hạ Long. Nhờ được địa điểm này là do ông Phạm Minh Quang chủ tịch Hội CMHS trường giới thiệu cô Mai với ông Lương Văn Diễm – Tổng Giám đốc công ty Cơ khí đóng tầu Hạ Long kiêm Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Hạ Long (nay đã nghỉ hưu) – cô đặt vấn đề cho toàn bộ trường Thăng Long sơ tán đến trường này để tiếp tục hoạt động GD – dạy học, dành toàn bộ mặt bằng để xây dựng nhà 04 tầng (nhà D) – ông Diễm đã vui vẻ đồng ý.

Ngày 05/9/2008 Trường THPT Thăng Long tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường và Khai giảng năm học mới hoành tráng, trong không khí vô cùng phấn khởi đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước, Cờ thi đua xuất sắc của UBND Thành phố. Lễ kỷ niệm đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các quý khách, CBGVNV, CMHS và HS toàn trường.

lich su phat trien 24

Năm học 2009 – 2010 nhà trường xây mới một nhà xe học sinh 2 tầng có hàng lan can với những biểu tượng Sao Khuê – trí tuệ, tao nhã. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh và tiếp tục đầu tư nâng cấp CSVC phục vụ công tác ứng dụng CNTT trong quản lý GD và dạy học. Hệ thống Wifi phủ sóng toàn trường; Hệ thống Camera Internet; TL E – School (Sổ liên lạc điện tử) là cầu nối hữu hiệu giữa CMHS với nhà trường; Tivi LCD màn hình rộng được lắp đặt ở tất cả các phòng học, 02 màn hình Led 400 và 500 inches ngoài trời để triển khai ứng dụng CNTT tổ chức các hoạt động GD tập thể, GD NGLL và ngoại khóa…

Khôn nguôi lòng khát khao, mong học sinh của trường được học tập, rèn luyện và vui chơi trong một môi trường GD trong lành, văn minh, hiện đại và chất lượng tốt. HĐQT tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư CSVC – Kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị dạy học, triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT và truyền thông trong quản lý GD và dạy học.

Kết thúc năm học 2012 – 2013 nhà trường thực hiện kế hoạch phá dỡ nhà xe giáo viên mái tôn 01 tầng, để xây mới nhà 5 tầng (nay là nhà E). Công trình được phê duyệt quy hoạch và cấp Giấy phép xây dựng, nhưng trong quá trình thi công cũng gặp nhiều khó khăn khách quan (tương tự như đầu những năm 2000). Vì quyền lợi của nhà trường và của HS, cô Mai lại phải đương đầu giải quyết, chắc về lý, đủ về tình, không nhượng bộ những đòi hỏi vô lý của 1 vài người, yêu cầu nhà trường lùi biên giới đất của trường (đã được UBND thành phố cấp Giấy quyền sử dụng đất cho trường) để mở rộng ngách 47/201 Lạch Tray. Cùng với đó là việc giải quyết đúng luật, thấu tình, đạt lý của bà Hoàng Thị Thủy – Chủ tịch UBND Phường Lạch Tray (nay đã nghỉ hưu). Nên công trình xây dựng của trường đã được hoàn công, đưa vào sử dụng đúng tiến độ, gồm nhà để xe của CBGVNV (tầng 1), phòng máy tính 1 (tầng 2), phòng hội đồng giáo viên 2 (tầng 3), phòng máy tính 2 (tầng 4), phòng thí nghiệm Vật lý (tầng 5).

Ngày 05/9/2013 Trường THPT Thăng Long long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập trường trong niềm vui HS khối 12 khóa 2010 – 2013 (với 297 lượt thí sinh dự thi đỗ Đại học, Cao đẳng, nhiều em đỗ 2 trường Đại học, một số em đỗ thủ khoa ngành của 1 số trường ĐH, CĐ. Trường đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận thành tích 5 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc, được UBND thành phố tặng Cờ thi đua – Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.

Từ năm học 2013 – 2014 mỗi lớp của trường được biên chế 1 phòng học. Hệ thống Multimedia tiếp tục được mở rộng và nâng cấp, kết nối hệ thống truyền hình trực tuyến đến 32 vị trí điểm cầu trong trường. Đầy đủ các phòng thực hành thí nghiệm Lý, Hoá – Sinh, Tin học, các phòng làm việc và 25 phòng học có điều hoà nhiệt độ… Nhà trường triển khai ứng dụng thành công nhiều chuyên đề nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực Quản lý, giáo dục Văn hóa học đường, giáo dục Kỹ năng sống cho HS toàn trường, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu nhà trường.

Những ngày cuối tháng 7/2018, thầy và trò trường THPT Thăng Long đang chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường (1998 – 2018), 21 năm thực hiện nhiệm vụ GD trung học (1997 – 2018) và Khai giảng năm học 2018 – 2019 (đã được ấn định tổ chức trong 02 ngày 11/8/2018 và 31/8/2018), thì niềm vui lại đến tràn ngập ngôi trường mang tên Thăng Long – Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2017 – 2018 (HS khóa 2015 – 2018), đạt trung bình cộng các tổ hợp 03 môn xét ĐH là 17,06 điểm xếp thứ 09/tổng số 57 trường THPT và trung bình cộng điểm 9 môn thi tốt nghiệp THPT (T, V, A, KHTN/KHXH) trường ta xếp thứ 3/57 trường THPT của thành phố Hải Phòng. Đề thi THPT Quốc gia 2018 được đánh giá là khó, điều đó càng khẳng định hiệu quả đào tạo của Trường THPT Thăng Long là rất cao.

Thứ Bảy, 11/8/2018 nhà trường tổ chức gặp mặt, tri ân các thế hệ nhà giáo, CBNV đã nghỉ hưu và đương nhiệm ôn lại những kỷ niệm cùng nhau gắn bó một thời, chụp ảnh lưu niệm kỷ yếu. Buổi gặp mặt có mời các vị nguyên lãnh đạo thành phố, quận Ngô Quyền, phường Lạch Tray, đơn vị kết nghĩa, đại diện báo Lao động tại Hải Phòng, ban Giám đốc Sở GD-ĐT các thời kỳ – những người đã chứng kiến và giúp đỡ Trường THPT Thăng Long hình thành và phát triển. Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường, 21 năm thực hiện nhiệm vụ GD TrH kết hợp khai giảng năm học mới được tổ chức vào thứ Sáu ngày 31/8/2018. Trước đó, Ban tổ chức đã dành 03 ngày Chủ nhật 12/8, 19/8 và 26/8 cho các thế hệ HS tổ chức gặp mặt, tri ân nhà trường và các thầy cô giáo…

lich su phat trien 25
Các thế hệ nhà giáo, CBNV đã nghỉ hưu và đương nhiệm

Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2018 – 2019 (HS khóa 2016 – 2019) trường ta xếp thứ 09/tổng số 58 trường THPT của thành phố Hải Phòng về trung bình cộng các tổ hợp 03 môn xét ĐH là 20,33 điểm và xếp thứ 03/58 về trung bình cộng điểm 9 môn thi tốt nghiệp THPT (T, V, A, KHTN/KHXH)  là 6,69 điểm

Năm 2021 khi đại dich COVID-19 hoành hành khủng khiếp tại thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua sự giúp đỡ của thầy giáo Phạm Hoài Nam (Bí thư Đảng uỷ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tại Tp Hồ Chí Minh là bạn học cùng khóa Đại học với cô Mai) và cô Nguyễn Mỹ Khanh (đạo diễn, đài truyền hình thành phố Hỗ Chí Minh), thầy trò và CMHS nhà trường đã ủng hộ 150 triệu đồng: Mua 385 máy thở SpO2 (nhập khẩu của Đức), 237 bóng thở và 12 dụng cụ tập thở trị giá 100 triệu đồng. Các cô chú, anh chị tình nguyện viên trong đội thiện nguyện của cô Nguyễn Mỹ Khanh đã mang những sản phẩm này trao tặng tận tay những người dân nghèo ở sâu trong tận cùng các con hẻm của thành phố; Và 50 triệu đồng còn lại: Tháng 10/2022 cô Mỹ Khanh mở lớp đào tạo kỹ năng sống và tổ chức trại hè 03 ngày từ 13 đến 15/6/2023 cho 32 trẻ em mồ côi cha mẹ trong đại dịch COVID-19. Sáng ngày 16/10/2022: Cô Nguyễn Thị Mai, thầy Vũ Trường Sơn và thầy Phạm Hoài Nam cùng đến dự buổi tổng kết khoá đào tạo kỹ năng sống của cô Mỹ Khanh tại hội trường tầng 1, sân vận động Hoa Lư, trung tâm TDTT, quận 1, Tp Hồ Chí Minh. Cùng với đó, nhân dịp Lễ giáng sinh năm 2022 thầy Lê Văn Tuấn bí thư đoàn trường và BCH đoàn trường triển khai cho tất cả 27 lớp 10,11,12 của trường tự thiết kế 743 thiệp gửi đến các bạn, các em mồ côi cha mẹ trong đại dịch COVID-19 với những lời chúc an lành, hạnh phúc, kiên cường vượt lên mọi khó khăn. Việc làm này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng trong việc GD HS toàn trường lòng nhân ái, tình người, lòng trắc ẩn và trách nhiệm công dân – yếu tố quan trọng và không thể thiếu của đạo đức con người.

lich su phat trien 26

Cùng năm 2021, trong 02 ngày 30/4 và 01/5 nhà trường cho bên B phá dỡ nhà xe bằng thép 2 tầng của HS, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị vật tư xây dựng. Đúng kế hoạch, ngày 24/5/2021 khi vừa kết thúc chương trình, kế hoạch dạy học online năm học 2020 – 2021, Nhà trường giao mặt bằng cho bên B tiến hành động thổ, xây dựng nhà 5 tầng (nay là dãy nhà A) với tầng 1 là nhà để xe HS; tầng 2, 3, 4 có 9 phòng học; tầng 5 là tầng kỹ thuật và hội trường. Sau 8 tháng thi công trong đại dịch COVID-19, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

453065788 799744688940113 4402720721138193442 n
Dãy nhà A

Từ tháng 01/2022 Toàn bộ tầng 1 các nhà B, C dùng làm 2 kho chứa đồ và 4 phòng để xe của HS. Từ tầng 2 các dãy nhà A, B, C, D, E có 27 phòng học và có đủ các phòng chức năng phục vụ dạy học và làm việc của giáo viên, các bộ phận văn phòng và BGH. Các phòng VS của CBGVNV và của HS cũng được tăng lên gấp đôi và thêm khang trang, hiện đại. Đội ngũ CBGVNV, CMHS và HS toàn trường thực sự vui mừng, phấn khởi, vì từ đây CSVC của THPT Thăng Long trở nên khang trang, hiện đại và tiện nghi hơn trước.

Và cũng vào những ngày giữa tháng 7/2023 trường THPT Thăng Long đang rộn ràng chuẩn bị CSVC cho HS các khoá tổ chức gặp mặt, tri ân thầy cô, nhà trường vào các ngày Chủ nhật 31/7, 06/8 và 13/8 và chuẩn bị ra mắt cuốn kỷ yếu kỷ niệm 25 năm thành lập trường (1998 – 2023), 26 năm thực hiện nhiệm vụ GD trung học (1997 – 2023) và tổ chức lễ kỷ niệm vào ngày 19/8/2023, thì niềm vui lại đến tràn ngập ngôi trường mang tên Thăng Long, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2023 với trung bình cộng điểm của 09 môn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học là 7,728 điểm, trường xếp thứ 3/62 trường THPT của thành phố Hải Phòng chỉ sau trường THPT chuyên Trần Phú và THPT Ngô Quyền.  

Chất lượng đào tạo được đánh giá qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, chỉ tính trong vòng 5 năm học trở lại đây (từ năm học 2018 – 2019 đến năm học 2022 – 2023), trường của chúng ta đã liên tục đứng trong top 10 trường có điểm đầu ra cao nhất:

Năm học

Tb cộng điểm 6 môn thi TN và xét ĐH

Xếp thứ/tổng trường THPT

2018 – 2019

6.780

8/58

2019 – 2020

7.300

9/58

2020 – 2021

7.639

4/60

2021 – 2022

7.952

2/62

2022 – 2023

7.728

3/62

Chặng đường 25 năm trường THPT Thăng Long (1998 – 2023), 26 năm thực hiện nhiệm vụ GD TrH (1997 – 2023), để có một Trường THPT Thăng Long như hôm nay, đã có biết bao ngày đêm trăn trở, đã có biết bao mồ hôi, nước mắt và tâm huyết của những người tiền nhiệm đã đổ xuống vì sự phát triển đi lên của nhà trường, vì hạnh phúc của các thế hệ học trò thân yêu. Sự trưởng thành của trường THPT Thăng Long hôm nay là minh chứng sống cho việc vận dụng thành công tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, đồng thời cũng là minh chứng thành công của chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục.

Lịch sử trường THPT Thăng Long sau này sẽ tiếp tục ghi danh, biết ơn các nhà lãnh đạo đáng kính của thành phố Hải Phòng, Sở GD-ĐT, quận Ngô Quyền, phường Lạch Tray, các các nhân, đơn vị kết nghĩa. Đặc biệt là Hội đồng sáng lập, Hội đồng trường (HĐQT), Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng, các nhà giáo, cán bộ, nhân viên, CMHS và HS các thế hệ đã dành biết bao tình cảm, tâm sức, trí tuệ và cùng nhau vượt qua những khó khăn lớn, nhất là trong các giai đoạn cuối những năm 90 của thế kỷ XX và đầu những năm 2000 của thế kỷ XXI để Trường THPT Thăng Long được duy trì, từng bước đột phá vươn lên và phát triển lớn mạnh như hôm nay, tạo nền móng vững chắc cho mai sau.

Thành phố Hải Phòng và khắp cả nước, hệ thống trường THPT Tư không những đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước mà còn có những đóng góp quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, góp phần giảm chi ngân sách của Nhà nước cho GD hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm…

Bằng sự nỗ lực và không ngừng vươn lên tự khẳng định mình, từ năm học 2007 – 2008 đến nay, trường THPT Thăng Long liên tục xếp vị trí đứng đầu khối trường THPT NCL, vị trí tốp đầu khối trường THPT của thành phố Hải Phòng, 13 năm liên tục được UBND thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc. Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 năm 2008, Huân chương Lao động hạng 2 năm 2016. Chính phủ tặng 2 Bằng khen và năm 2021 Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TN CS Hồ Chí Minh tặng nhiều Bằng khen. Đồng chí Bí thư chi bộ – Chủ tịch HĐQT – Hiệu trưởng, thạc sỹ Nguyễn Thị Mai được Thủ tướng Chính phủ 02 lần tặng Bằng khen, Đảng bộ thành phố tặng Bằng khen “Tấm gương điển hình, tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; UBND Thành phố tặng Giải thưởng Lê Chân – Giải thưởng cao quý nhất dành tặng 10 phụ nữ xuất sắc và tiêu biểu nhất, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển thành phố và sự tiến bộ của phụ nữ Hải Phòng (năm 2007); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 03 lần tặng Bằng Lao động sáng tạo (năm 2008, 2010, 2014) ; UBND Thành phố tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp thành phố liên tục trong nhiều năm. 

Trong niềm vui chung về sự trưởng thành của nhà trường trong suốt 26 năm qua, trong đó 25 năm trường mang tên “THPT Thăng Long” – Hành trình hạnh phúc trong suốt 25 năm  “Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển” – Niềm hạnh phúc lớn lao cũng là phần thưởng cao quý nhất đối với tập thể nhà giáo, CBNV nhà trường, đó là:

Trường THPT Thăng Long đã được nhân dân Thành phố Hải Phòng biết đến và ghi nhận là một địa chỉ giáo dục tin cậy. Còn với HS các thế hệ :

“Hôm nay các em tự hào về trường, ngày mai trường tự hào về các em !”

*****

Nhiều người hỏi:

Thạc sỹ Nguyễn Thị Mai Chủ tịch HĐSL, Chủ tịch hội đồng trường, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng – Bí quyết thành công của cô/chị là gì…?

Tôi đã và sẽ vẫn trả lời:

Có lẽ là do trường THPT Thăng Long được ra đời từ một ý tưởng rất trong sáng và đầy tính nhân văn… ! 

Hải Phòng, ngày 01 tháng 8 năm 2023

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRƯỜNG – HIỆU TRƯỞNG

Thạc sỹ – Nguyễn Thị Mai

Xem tiếp: Tầm nhìn - Sứ mệnh - Giá trị cốt lõi