Giới thiệu chung

Xin chào mừng các bậc cha mẹ học sinh và các con đã đến với Trường THPT Thăng Long, ngôi trường đã khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện và kỷ cương nền nếp hàng đầu khối trường THPT của thành phố Hải Phòng. Chúng tôi xin trân trọng gửi đến quý CMHS và các con lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin về sự nghiệp trồng người của trường THPT Thăng Long trên con đường phát triển và hội nhập...

Xem tiếp

 

 

– Làm thế nào để trẻ không sa đà vào những luồng thông tin đa dạng, phong phú nhưng cũng rất khó kiểm soát của các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook… là trăn trở của không ít các bậc phụ huynh.

Trẻ “say” facebook

Nhiều phụ huynh có con học từ lớp 4 trở lên tại trường tiểu học Bành Văn Trân, quận Tân Bình, TPHCM rất ngạc nhiên khi cô giáo nhắc nhở gia đình cần kiểm soát chặt hơn thời gian cũng như lượng thông tin con em mình tiếp nhận trên các trang thông tin, trang mạng xã hội. Theo các cô giáo, rất nhiều em dù mới học lớp 4 đã thành thạo trong việc truy cập các trang mạng xã hội như facebook, Yume, yahoo…

Chị Trâm Anh, có con học lớp 5 trường Tiểu học Bành Văn Trân, cho biết, khoảng hơn một năm nay, chị thấy con gái mình sử dụng facebook rất thành thạo. Dù con gái chị đã thay tên, nâng tuổi mình thêm 2-3 tuổi, nhưng chị vẫn biết đó là trang cá nhân của con gái mình qua các bức ảnh mà cháu đưa lên.

Theo chị Trâm Anh, việc con chị dành nhiều thời gian vào các hoạt động trên các trang mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng tới học tập, mà còn dễ làm thay đổi cách suy nghĩ, tư duy cũng như nhận thức của các cháu về cuộc sống, xã hội, bởi những nội dung mà các em truy cập cũng như trao đổi thường không được kiểm soát và có người chỉ dẫn. Ngoài ra, ngôn ngữ mà các cháu sử dụng trên facebook rất khó chấp nhận, nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh và có cả những từ lóng mà chị không thể nào hiểu nổi.

Cũng giống như con gái chị Trâm Anh, con trai anh Nguyễn Khắc Hiền, học sinh trường tiểu học Hòa Bình, Quận 1, TPHCM, do mải mê lướt web, chăm chỉ cập nhật facebook, nên việc học hành ngày càng sa sút.

Với quan niệm thời đại ngày nay trẻ con rất cần đến công nghệ hiện đại trong học tập và sinh hoạt, vì vậy, dù không khá giả nhưng anh Hiền vẫn mua cho con một bộ vi tính và kết nối mạng Internet để việc tìm hiểu kiến thức phục vụ cho việc học tập của cháu được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, sau một năm có máy vi tính và tự do sử dụng, cậu con trai học lớp 5 của anh liên tục bị điểm kém và chỉ sau khi cô chủ nhiệm cho biết về tình trạng cháu đã thường xuyên sử dụng facebook để tán gẫu thì anh mới giật mình sửng sốt.

Theo cô Nguyễn Thị Khánh Dương, giáo viên dạy Văn của trường THCS Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM, có tới hơn 60% các em học sinh lớp 5-6 của trường cô đã biết sử dụng facebook. Việc dành quá nhiều thời gian cho facebook không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn tới sức khỏe của các em trong độ tuổi cần ăn, ngủ có khoa học.

Cô Khánh Dương cho biết, cô đã từng thử làm một bài test để xem học trò của mình dành thời gian cho facebook thế nào. Kết quả, chỉ 5 phút sau khi câu chuyện liên quan đến lớp được cô chủ nhiệm đưa lên mạng xã hội này, đã có đến hơn 40 lượt học sinh vào bình luận và ấn nút "Thích".

Đồng hành cùng trẻ

Tiện ích lớn nhất của facebook chính là sự liên kết, theo dõi và chia sẻ mọi thông tin mà mình quan tâm với đông đảo bạn bè, người thân. Nhưng tác hại của các thông tin trên facbook cũng bắt nguồn từ tiện ích này, vì các em có thể bị lôi kéo, ảnh hưởng bởi những thông tin xấu không được kiểm soát trên facbook.

Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường PTCS Võ Trường Toản, Quận 1, TPHCM, khẳng định, không thể ngăn cấm các em sử dụng các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, phụ huynh cần đồng hành, theo sát con em mình để định hướng, kiểm tra, kiểm soát những thông tin các em đang tiếp nhận. Điều này giúp tránh cho các em bị lôi kéo bởi kẻ xấu, hay sa đà vào “nghiện” thế giới ảo.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm chủ nhiệm, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Dương chia sẻ, thay vì ngăn cấm việc lên mạng nói chung hay sử dụng facebook nói riêng, phụ huynh và nhà trường hãy biến facebook trở thành một sân chơi đầy ý nghĩa cho các em bằng nhiều hình thức. Đó có thể là việc viết lên facebook những câu chuyện vui và ý nghĩa để từ đó các em đưa ra các cảm nhận, các kinh nghiệm của bản thân. Cũng có thể gợi ý các em kể những việc làm tốt, những kinh nghiệm học tập của cá nhân cho các bạn khác học tập. Hay là đưa đề tài facebook lồng vào bài giảng trên lớp để hướng dẫn các em biết sử dụng một cách hợp lý.

Còn ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM, thẳng thắn bày tỏ, phụ huynh nên chỉ cho con mình thấy những “ổ gà, hố sâu” khi tham gia vào mạng xã hội. Cha mẹ hãy thỏa thuận và quy ước với con thời gian lên facebook mỗi ngày, cam kết về kết quả học tập, quy ước về những trang web không được phép kết giao, cam kết phát ngôn chừng mực. Ngoài ra, bố mẹ nên có một trang facebook để kết bạn với con mình, sống cùng con trên thế giới online để hiểu, quan tâm và can thiệp kịp thời khi cần thiết.

Tháng 1/2013, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã đưa ra văn bản “Những điều cấm kỵ khi lên facebook” dành cho học sinh trong trường, trong đó, quy định rõ khi sử dụng facebook, học sinh tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt. Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt. Tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai. Mọi riêng tư không nên đưa lên facebook...

Đây là trường học đầu tiên trong nước có quy định về vấn đề này nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng facebook một cách tràn lan, thiếu văn hóa và thiếu kiềm chế như hiện nay.

Đây cũng là một kinh nghiệm hay, kinh nghiệm tốt để các trường và các bậc phụ huynh tham khảo.

Thanh Thủy



Thống kê truy cập