Giới thiệu chung

Xin chào mừng các bậc cha mẹ học sinh và các con đã đến với Trường THPT Thăng Long, ngôi trường đã khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện và kỷ cương nền nếp hàng đầu khối trường THPT của thành phố Hải Phòng. Chúng tôi xin trân trọng gửi đến quý CMHS và các con lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin về sự nghiệp trồng người của trường THPT Thăng Long trên con đường phát triển và hội nhập...

Xem tiếp

Chuyên đề “THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ” của trường THPT Thăng Long đã triển khai trong nhiều năm nay, không chỉ cho đối tượng HS, mà đã huy động được cả CMHS và đội ngũ CBGV nhà trường cùng vào cuộc… 

HỌC VÀ TỰ HỌC như thế nào để có hiệu quả cao là một việc rất khó, nhiều học sinh lúng túng không biết cách bắt đầu và tiến hành công việc này như thế nào...;

Không ít CMHS và HS cho rằng muốn học giỏi thì phải học thêm thật nhiều, nhưng lại không quan tâm đến chỉ số IQ thế nào, sức khỏe ra sao, hiệu quả thực đạt được là gì... mọi thời gian trống lẽ ra để tự học thì lại dành cho việc đi học thêm thật nhiều...;

Một số giáo viên nói chung từ cấp Tiểu học và THCS..., trên lớp không dạy hết kiến thức, ít hướng dẫn HS tự học và kiểm tra bài cũ nhưng lại rất tích cực dạy thêm và cho đề kiểm tra giống như nội dung dạy thêm... và thành tích ảo về những điểm 9,10, học sinh không có thói quen tự học và tự tư duy là lẽ đương nhiên!

Chuyên đề “THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ” của trường THPT Thăng Long đã triển khai trong nhiều năm nay, không chỉ cho đối tượng HS, mà đã huy động được cả CMHS và đội ngũ CBGV nhà trường cùng vào cuộc…

Với CMHS toàn trường, tại các cuộc họp CMHS được Hiệu trưởng tư vấn, phát tài liệu trong đó có chuyên đề THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ” để CMHS nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, GD con thói quen học và tự học hiệu quả...

Với cán bộ quản lý và giáo viên, nhà trường tổ chức Hội thảo: “Nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy và GD học sinh “THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ”…

Thành công lớn nhất của chuyên đề này là đã từng bước làm thay đổi nhận thức của CMHS, HS và CBGV toàn trường về vấn đề Học và Tự học của học sinh…

Từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều văn bản chỉ đạo của BỘ GD-ĐT, thành phố chấn chỉnh tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan và Hội thảo các cấp về “Đổi mới phương pháp học tập của học sinh” do ngành GD Hải Phòng triển khai từ cấp cơ sở đến toàn ngành, là một thuận lợi rất lớn cho trường THPT Thăng Long nói riêng tiếp tục GD học sinh “THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ”…       

Với HS, trước khi triển khai chuyên đề “THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ” - Một vấn đề căn bản, giúp học sinh “Đổi mới phương pháp học tập”, trường THPT Thăng Long đã triển khai một số chuyên đề bổ trợ: “Thói quen”, “Phương pháp tư duy khoa học với 5Wh1How”, “Quy trình 5 bước tiến hành công việc để đạt hiệu quả cao”, “Thời gian biểu khoa học”… nhằm trang bị cho HS những kiến thức khoa học và thực tiễn để vận dụng cho bản thân.

- Chuyên đề “Thói quen”: Cơ sở sinh lý của “Thói quen” là 1 dạng hoạt động thần kinh cấp cao ở người. “Thói quen” là một chuỗi phản xạ có điều kiện do kiên trì rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện có tính chất cá thể, không di truyền mà chỉ tồn tại nếu được củng cố và rèn luyện thường xuyên…

- Chuyên đề “Bí quyết tư duy khoa học với 5 câu hỏi Wh và 1 câu hỏi với How” (5Wh1How): Để làm một việc, giải quyết một vấn đề nào đó chúng ta hãy bắt đầu tư duy với 5Wh1How. Hãy tự hỏi và tìm phương án trả lời để hoàn thành công việc với kết quả cao nhất

Who?    (Ai?)              -  Xác định đối tượng chủ thể  :  Ai làm? / Ai học? / Học ai?

What?   (Cái gì?)        - Xác định đối tượng khách thể:  Làm cái gì? / Học cái gì?

Where? (Ở đâu?)        - Xác định không gian :               Làm cái đó ở đâu? / Học ở đâu?

When?  (Khi nào?)     - Xác định thời gian:                    Làm khi nào? / Học khi nào?

Why?  (Tại sao?)        - Xác định mục đích:                   Tại sao phải làm? / Tại sao phải học 

How? (Như thế nào?) - Xác định cách thức:                   Làm như thế nào? / Học như thế nào?

- Chuyên đề: “Quy trình 5 bước tiến hành công việc để đạt kết quả cao”                
1. Thu thập thông tin và xử lý thông tin liên quan đến công việc
2. Lập kế hoạch để thực hiện công việc  
3. Tổ chức
thực hiện kế hoạch
4. Chỉ đạo/Tự chỉ đạo mình
thực hiện kế hoạch
5. Kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm
công việc đã làm

-> Nếu đã biết vận dụng “Bí quyết tư duy khoa học với 5wh1how” “Quy trình 5 bước tiến hành công việc để đạt kết quả cao thì các em sẽ không còn bị lúng túng trước bất cứ công việc gì. Chuyên đề “THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ” là bài tập thực hành thực tếhữu ích nhất cho học sinh được rèn luyện và tự rèn luyện mình để hình thành “Thói quen” học và tự học có hiệu quả.

       
Hiệu trưởng - Ths: Nguyễn Thị Mai tham luận chuyên đề tại Hội nghị "Đổi mới phương pháp học tập của học sinh" Năm học 2012 - 2013 do Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức ngày 29/01/2013

Chuyên đề: THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ

I. XÁC ĐỊNH ĐỘNG CƠ, TINH THẦN, THÁI ĐỘ HỌC TẬP ĐÚNG ĐẮN

  1. Động cơ

 Là cái thôi thúc ta hành động, là sự kết hợp biện chứng giữa nhu cầu của bản thân với mục đích hành độngyêu cầu của xã hội.

  2. Động cơ học tập đúng đắn  

- Là xác lập sự hài hòa giữa nhu cầu của bản thân với mục đích hành động và yêu cầu của xã hội.

- Là học cho bản thân, học cho gia đình, học để có khả năng đáp ứng yêu cầu của xã hội. Bao trùm lên tất cả là học để lập thân, lập nghiệp học để làm người có ích.

- Theo quan điểm của Unesco “The four Pillars of Education:

Learning to know; Learning to do; Learning to be; Learning to live together”.

(4 trụ cột GD: Học để biết, học để làm việc, học để tồn tại, học để cùng nhau chung sống)

  3. Tinh thần, thái độ học tập đúng đắn

- Phải thực sự tự tin trong học tập: Các bạn học được, thì mình cũng phải học được: “Cần cù bù thông minh”,  muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”…

- Phải gạt bỏ ngay tâm lý tự ti . Phải hiểu học tập chủ yếu là tự học

Con đường giáo dục là tập tự sử dụng những khả năng của mình,

 tự sử dụng cái đầu của mình” - Kant (1724–1804) nhà triết học Đức

- Phải thật chủ động trong học tập, rèn óc hoài nghi khoa học, lật đi lật lại vấn đề để hiểu cho tường tận để biết cách vận dụng. Phải dành càng nhiều thời gian cho tự học càng tốt. Trung bình cũng phải được 3 giờ tự học/ngày. Sau 45-60ph tự học, nghỉ giải lao 5-10ph để làm việc nhà / nghe nhạc / tự hát ngêu ngao / tập thể dục… cho sảng khoái để học tiếp.

- Phải có ý chí trong học tập, để biết quyết định đúng lúc, giống như sử dụng “chân ga” và “chân phanh” khi lái xe, cần quyết định nhấn ga hay đạp phanh khi nào. Ý chí còn biểu hiện bằng nghị lực vượt mọi khó khăn chế ngự bản năng tập trung cho việc Học và Tự học.

Chẳng hạn trời mưa, rét vẫn đến lớp đúng giờ.

Đọc một bài văn, một đề toán... khó, không nản chí mà vẫn nghiền ngẫm thật kỹ cho vỡ lẽ.

- Phải biết từ chối khi chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình: (phim hay trên TV, đi chơi, sử dụng điện thoại nói chuyện, nhắn tin vô bổ...).“Chưa học xong bài chưa đi ngủ, chưa làm đủ bài chưa đi chơi” là có tinh thần vượt khó, là có trách nhiệm với bản thân, gia đình và XH...  

- Phải dứt khoát từ bỏ “lối học để đối phó với kiểm tra, thi cử. Dứt khoát từ bỏ “lối học thụ động”, lười biếng: đợi bạn làm xong, đợi thầy chữa bài xong rồi chép...

II. PHƯƠNG CHÂM VÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP

 1. Phương châm học tập:

- Học đi đôi với với hành luôn có ý thức liên hệ với thực tế.

- Hiểu mối quan hệ biện chứng 4H: học - hỏi - hiểu - hành.

Muốn học phải hỏi;

Hành mà không học là làm mò;

Hỏi cho kỹ để hiểu, hiểu để mà hành;

Học là phương tiện, hành là mục đích;

Học mà không hành là vô dụng;

Học để mà hành.

Đơn giản nhất là việc thầy cho làm bài tập áp dụng, nhưng không tự mình giải để hiểu cho kỹ, mà ngồi chơi đợi chép là lười biếng, là học thụ động, là học không đi đôi với hành...

   2. Phương pháp học tập:

- Là cách thức tiến hành để đạt được mục đích đề ra,

- cách biến đổi kiến thức đã được học thành kiến thức của chính mình.

III. RÈN THÓI QUEN HỌC VÀ TỰ HỌC HIỆU QUẢ

1. Rèn thói quen có đủ phương tiện học tập

- Phải có đủ  SGK, sách bài tập, tài liệu học tập: Đã học thì nhất thiết phải có sách, sách là “người thầy” thứ hai. 

- Phải có đủ vở ghi, vở nháp, đồ dùng học tập

-> Phương tiện học tập phải được sắp xếp một cách khoa học, cần dùng là lấy được ngay,  không để bị mất thời gian vô ích cho việc tìm kiếm hay mượn bạn...

 2. Rèn thói quen học tập trên lớp hiệu quả:

  2.1. Nghe giảng:

- Cần tập trung tư tưởng cao độ kết hợp mắt nhìn, tai nghe, tay viết. Muốn vậy, phải rèn năng lực chú ý để hiểu bài ngay trên lớp

- Trong khi nghe giảng phải chú ý học tập cách lập luận, cách diễn đạt, cách chọn thí dụ minh họa, cách trình bày, cách sử dụng phần mềm dạy học của thầy để vận dụng cho mình.

2.2. Ghi chép :

- Phải ghi đủ ngày, tháng cho mỗi buổi học. Tên bài, tiêu đề, tiêu mục cần viết to hơn, rõ hơn, gạch chân

- Phải ghi bài giảng của thầy theo sự hiểu biết của mình. Tuyệt đối không chờ thầy đọc cho chép. Lối học thầy đọc - trò chép không được phép tồn tại nữa.

- Có thể ghi sai? không sao cả! khi tự học ở nhà, sẽ đối chiếu vở ghi với SGK, tham khảo bạn khác hoặc hỏi lại thầy để sửa chữa, bổ sung...

  2.3. Phát biểu xây dựng bài:

- Phải tập đặt mình trong tư thế luôn phải động nãochủ động chuẩn bị phát biểu về những vấn đề nảy sinh khi tự học ở nhà, khi nghe giảng trên lớp...

- Nếu thầy hỏi hoặc lớp, nhóm có tổ chức thảo luận thì sẵn sàng tham gia. Đừng sợ sai, đừng giấu dốt. Hãy mạnh dạn trao đổi. Những vấn đề đã được đào sâu sẽ hiểu kỹ, nhớ lâu và vận dụng tốt.

- Hãy tập diễn đạt bằng ngôn ngữ nói (phát biểu), ngôn ngữ viết hoặc ngôn ngữ diễn đạt bằng cử chỉ, điệu bộ để truyền tải thông tin chuẩn xác, hấp dẫn “điều mình hiểu” cho người khác.   

2.4. Học theo nhóm:

 - Học theo nhóm là một hình thức học phổ biến trên thế giới hiện nay. Muốn đạt được chất lượng thực trong học nhóm, từng cá nhân phải có sự chuẩn bị kỹ càng để giải quyết vấn đề do nhóm hoặc từng thành viên trong nhóm đề ra. Tuyệt đối không ỷ lại, dựa dẫm lẫn nhau.

- Thời gian truy bài đầu giờ, giờ ra chơi… là cơ hội để các em thảo luận nhóm về những vấn đề khó, chứ không phải để chép bài của nhau cho đủ.

  2.5. Vận dụng kiến thức đã học làm bài tập, làm bài kiểm tra:

- Vận dụng kiến thức: Nếu đã rèn được năng lực chú ý nghe giảng thì dễ dàng giải quyết mọi tình huống của bài tập áp dụng như: trả lời câu hỏi, giải bài tập hay  viết 1 bài văn…

- Làm bài kiểm tra: Đọc kỹ đề bài để hiểu thấu đáo, câu dễ làm trước, khó làm sau, giải ra nháp trước khi viết vào bài hoặc trước khi chọn phương án đúng. Chú ý căn thời gian để hoàn thành bài và kiểm tra bài làm. Giữ đề kiểm tra để làm lại và chuẩn bị ý kiến, điều chỉnh bài giải khi thầy chữa...

 3. Rèn thói quen tự học ở nhà hiệu quả

  3.1. Tự học bài cũ:

- Bước 1: Tự đọc lại bài trong SGK, đối chiếu vở ghi, bổ sung, đính chính sai sót (nếu có); 

- Bước 2: Đọc lại và phân tích thật kỹ nội dung bài học trên lớp cho đến khi hiểu rõ và nắm chắc nội dung kiến thức. Nếu đã rèn năng lực chú ý sẽ hiểu bài ngay tại lớp, thì khâu tự học ở nhà sẽ đỡ mất nhiều thời gian.

- Bước 3: Vận dụng kiến thức đã học giải bài tập hoặc làm đề cương ôn tập.

- Bước 4: Xem lại bài học, bài làm của các môn có TKB hôm sau, để một lần nữa củng cố và nắm chắc kiến thức. Trước khi đi ngủ, sắp đủ đồ dùng học tập, vở nháp, vở ngoại khoá, sách, vở, tài liệu cần thiết khác (của TKB hôm sau) cho vào cặp sách.

  3.2. Tự đọc trước bài mới:

- Bước 1: Tự đọc SGK, đọc nhanh một lượt toàn bài để hiểu được những vấn đề chung;

- Bước 2: Đọc kỹ từng đoạn để nắm từng phần chính của bài;

- Bước 3: Đọc lại toàn bài để có thể tóm tắt nội dung chính của bài;

- Bước 4: Trả lời câu hỏi và làm bài tập ở cuối bài. Ghi ra nháp những điều đã hiểu, những điều chưa rõ (đến lớp nghe giảng sẽ “vỡ ra” những điều chưa rõ, học như thế sẽ nhớ rất lâu).

3.3. Tự ôn tập:

- Đọc lại từng chương để nhớ lại và nắm chắc kiến thức trọng tâm. Tìm mối quan hệ giữa các chương với nhau.

- Tự trả lời hệ thống câu hỏi và làm hệ thống bài tập của từng chương để nắm chắc kiến thức trọng tâm. Làm đề cương ôn tập chương vào một cuốn vở riêng. Nhớ chừa khoảng trống để ghi những ý hay của các bạn và giải đáp của thầy…

  Đó là kinh nghiệm Học - Tự học hiệu quả, không chỉ được đúc rút từ thực tế mà nó còn mang tính khoa học rất cụ thể, mọi việc còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự “tự thân vận động” của các em.

Yếu tố bên ngoài: thầy, bạn, gia đình và xã hội dù có tốt đến mấy cũng chỉ dừng ở mức tạo điều kiện cho các em học thôi.

Con gà ấp quả trứng thì nở thành gà con;

Con gà ấp hòn sỏi, thì không thể nở thành gà con được!

 

Yếu tố bên trong, chính là các em mới quan trọng nhất.

Trên đường thành công không có dấu chân của người lười biếng!

Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

Các em hãy vượt lên để chiến thắng chính bản thân mình!

Chúc các em thành công!

Hiệu trưởng - Ths Nguyễn Thị Mai



Thống kê truy cập